“Dùng nó rất tiện lợi, anh thấy đúng không? Nhất là những người như
anh, có thể bị triệu tập bất cứ lúc nào, chẳng biết được bao giờ mình sẽ phải
lên đường, kể cả giữa đêm khuya. Riêng phần tôi, tôi có hai đứa con gái.
Đứa út có lần bị giật ví. Cảnh sát không tóm được tay cướp giật. Kể từ đó,
nó rất sợ mang tiền bên mình và gần như chỉ dùng thẻ tín dụng. Khi dùng
thẻ, rủi mà có bị trộm, ít nhất ta cũng hạn chế được phần mất mát ở mức tối
tiểu.”
“Ví như khi đi du lịch.”
“Đúng vậy! Quan trọng hơn, nó đóng vai trò như một dạng giấy tờ tùy
thân. Đây thực sự là một điểm mạnh. Do tôi chuyên tư vấn các vụ phá sản
và luôn giúp đỡ các nạn nhân, có thể anh sẽ nghĩ tôi coi thẻ tín dụng là gốc
rễ của tội ác và muốn cho chúng biến mất. Tuy nhiên điều này không đúng
hoàn toàn.”
“Không, tôi không nghĩ thế.”
Mizoguchi tiếp tục. “Vậy đấy. Nói về nền tài chính tiêu dùng, một cái
bóng dài mười tám mét của một chủ thể chỉ cao chừng một mét tám. Lý do
chính của tình trạng này là do sẽ bành trướng vô tổ chức của thẻ tín dụng,
với lãi suất cắt cổ cùng các khoản phí môi giới. Giờ ta sẽ bàn đến phần
trọng tâm của vấn đề.” Ngừng một lúc để lựa chọn dẫn chứng, ông nói tiếp,
“Khoảng một năm trước, tôi nhận một vụ tuyên bố cá nhân phá sản. Một
nhân viên văn phòng, hai mươi tám tuổi. Cậu ta sở hữu ba mươi ba chiếc
thẻ tín dụng cả thảy. Tổng số tiền nợ lên đến hơn ba mươi triệu yên, cậu ta
lại chẳng có tài sản gì để thế chấp. Anh có thể nói gì về trường hợp này?”
Ba mươi triệu yên! Con số mà một nhân viên công vụ quèn như anh
chẳng bao giờ dám mơ tới, kể cả khoản trợ cấp thôi việc.
“Đấy, anh nghĩ làm sao một người mỗi tháng chỉ kiếm được chừng hai
trăm nghìn lại tìm được cách vay tận ba mươi triệu yên? Ai dám cho cậu ta
mượn ngần ấy tiền? Vì sao họ lại làm như vậy? Đây chính là cái mà tôi gọi
là tín dụng bành trướng quá mức.”