“Xem chừng có kẻ dùng tên họ của người khác...” Honma xoa gáy. “Và
không chỉ họ tên. Nói nôm na, cô ta còn ‘mượn’ luôn cả lý lịch của người
đó. Mặc dù đây không phải là chuyện chưa từng xảy ra. Trở lại khoảng năm
1955, có một gã dùng chứng minh thư của người khác và sử dụng tên họ ‘đi
mượn’ này. Cuối cùng gã bị triệu ra tòa vì đã xâm phạm quyền con người.”
Vụ việc đã lên khắp các mặt báo vì lần đầu tiên xảy ra ở Nhật, lần đầu
tiên cơ quan pháp luật phải đứng ra giải quyết một vụ việc liên quan đến cá
nhân ở một đất nước vốn lấy gia đình làm đơn vị cơ sở. Mãi cho đến cuộc
xâm lược của Mỹ vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX, ở Nhật, mỗi cá
nhân hoàn toàn không có quyền gì cả, toàn bộ khái niệm “quyền” đều được
du nhập từ phương Tây. Thay vào đó, gia đình luôn đóng vai trò là đơn vị
pháp luật. Thực tế gia đình sẽ chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý đối
với hành động của từng thành viên của mình. Toàn bộ những lời dạy rằng
đừng làm một việc gì đó để gia đình mất mặt không chỉ là bài học đạo đức
của Đức Khổng Tử nữa.
Thậm chí hiện nay, nếu xem xét kỹ, sẽ thấy mỗi người cũng không phải
là một cá thể đơn lẻ, mà là một trang trong cuốn sổ ghi chép về toàn bộ gia
đình. Cuốn sổ này được đăng ký tại địa phương nơi gia đình anh sinh sống
và nó được truyền qua nhiều thế hệ. Mọi sự kiện diễn ra trong gia đình đều
được lưu lại một cách chi tiết: ai ra đời, ai qua đời, ai kết hôn. Khi một cô
con gái đi lấy chồng, cô ta sẽ được đưa ra khỏi sổ hộ khẩu của gia đình bố
mẹ đẻ và được ghi tên vào một cuốn sổ mới, trong đó người chồng đóng
vai trò là chủ gia đình. Những tài liệu này về cơ bản là bí mật, nhưng trên
thực tế bất cứ ai trong gia đình cũng có quyền xem. Mỗi lần cần đến sự
tham gia của cơ quan tư pháp, chẳng hạn như khi kết hôn hoặc nhận tài sản
thừa kế, người ta sẽ phải tự mình đến văn phòng chính quyền địa phương
và xin một bản sao có công chứng cuốn sổ hộ khẩu của gia đình. Họ sẽ yêu
cầu anh ký tên, đóng dấu khắc họ của cả gia đình. Tất cả đều rất thích hợp
và đúng đắn.