“Vài bữa nữa rồi tính.”
“...”
“Thế nhé.”
Biết không xoay chuyển được ý của người đàn ông cao lỏng khỏng và
đen sạm trước mặt, bà khách dợm đứng lên.
Mẹ nó tần ngần tiễn khách ra cổng.
*
Con bé mỗi ngày một phổng phao. Cứ rúc theo hơi mẹ mà tìm sữa.
Rúc theo hơi mẹ mà ọ ẹ trò chuyện. Hễ ngủ thì chớ, thức dậy là hai mẹ con
lại xoắn lấy nhau không chán.
Cả nhà diễn ra một sự thay đổi lớn lao. Tiếng trẻ thay cho tiếng cười
hềch hệch giữa giấc đêm. Ông ngoại đi làm về, phải xuống xe từ đầu ngõ,
rồi kẽo kẹt đẩy cái xích lô vào giữa sân để khỏi đánh động cháu. Bác hai
tan giờ làm cũng tranh thủ ngó nghiêng kiếm đồ chơi cho cháu. Bác cả hết
ca đêm về đến nhà còn phải nhìn mặt “con chó con” rồi mới ngủ được. Bà
ngoại thì khỏi nói. Hết giờ chợ là tất ta tất tưởi về nhà. Mà lần nào cũng
mang về lúc thì đôi tất, khi thì cái mũ che thóp... cho cháu. Trước, chẳng
mấy khi cả nhà ngồi nói chuyện được với nhau, giờ thì nửa đêm vẫn còn
chưa hết chuyện. Nào thì nóng lên rồi, kiếm lá sài đất về tắm cho con bé.
Cái lưỡi nó bị tưa, phải xin ít mật ong về đánh tưa. Con mẹ nó độ này ít
sữa, phải nấu thêm cháo chân giò cho ăn. Mà cái con bé thật buồn cười, cứ
động vặn vẹo là người đỏ tía lên. Mà cái mặt nó lúc nào muốn ị là cứ đần
ra, trông rõ ngộ. Bao giờ được ba tháng để xem nó lẫy nhỉ. Trông nó lúc thì
giống ông ngoại, lúc thì lại giống bà ngoại. Ông bảo: “Nó giống tôi hơn
chứ”, thế là kiểu gì bà cũng phải cãi lại bằng được. Còn mỗi cách giải quyết
là “phải trật tự” cho con bé con nó ngủ thì mới yên ắng được.