Môlie không những là một nhà tư tưởng sâu sắc, một nhà sáng tác thiên tài,
một nghệ sĩ lão luyện, ông còn là một người tổ chức mẫu mực, vừa lãnh đạo
sân khấu, vừa đào luyện những diễn viên xuất sắc.
Nhìn chung, từ những tác phẩm đầu tiên, khi trở lại Pari, đặc biệt là vở
Những bà cầu kỳ rởm (1659) có tính chất một bản tuyên ngôn cho một sự
nghiệp vô cùng dũng cảm, đến tác phẩm cuối cùng Người bệnh tưởng
(1675), sáng tác của Môlie đã gây những dư luận và nhiều cuộc tranh luận
sôi nổi trong nền văn học cổ điển nửa sau thế kỷ XVII. Mỗi vở kịch của ông
ra đời lại gây những sự phản ứng rất kịch liệt về phía Nhà Thờ và bọn quí
tộc phản động. Cuộc đời Môlie từ 1659 là một cuộc đời đấu tranh gan dạ
chống lại Nhà Thờ, giai cấp quí tộc và cả nền “văn minh” của chúng.
Chúng là những kẻ có thế lực nhất trong cung đình, chúng không từ một
hành động đen tối, hèn hạ nào để đàn áp, đe doạ, vu khống ông. Có lần,
chúng đòi thiêu sống ông.
Khi diễn vở Người bệnh tưởng lần thứ tư (1673), Môlie đã kiệt sức trên
sân khấu, về nhà được vài giờ thì ông chết. Nhà thờ, trước đấy thường
xuyên truy nã Môlie, bây giờ ngăn cấm việc mai táng ông ở nghĩa địa Nhà
Chung. Vợ ông phải quỳ gối trước nhà vua mới xin được chôn cất ông lúc
ban đêm.
Môlie chết đi, để lại cho chúng ta ngày nay gần bốn mươi tác phẩm. Các
nhà nghiên cứu văn học thường chia sự nghiệp sáng tác của ông làm bốn
thời kỳ: thời kỳ trước 1658, thời kỳ trẻ tuổi (1658-1663), thời kỳ chiến đấu
(1664-1666) và thời kỳ chiến thắng (1667-1673).
Vở ra mắt lần đầu tiên có kết quả rực rỡ ở điện Pơti Buôbông đưa lên
sân khấu những người học đòi quí tộc; họ sống một cuộc đời “cầu kỳ rởm”,
huyênh hoang, khoa trương, trống rỗng. “Thật là buổi ra mắt đầu tiên xứng
đáng”. Nó có một ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng; nó lên án nền “văn
minh” quí tộc đã lỗi thời. Lúc ấy sau cuộc khởi loạn thất bại, - vụ La
Frôngđơ, bọn quí tộc muốn tuyên truyền thứ văn hoá phản động của chúng
trong các “xa-lông”.