Vở hài kịch của Môlie đã vạch rõ những nguy hại của thứ văn hoá giả
tạo ấy; đó chỉ là một sự ngu đần, thô bỉ, một trở ngại to lớn cho xã hội.
Môlie đã tỏ rõ thái độ của ông đối với “sự khai hoá” của những kẻ quí tộc
ấy.
Con đường chống đối lại xã hội phong kiến quí tộc đã được khẳng định
trong vở hài kịch đầu tiên này.
Sau này, trong những tác phẩm lớn, Môlie sẽ tiếp tục đi con đường vinh
quang ấy, và mỗi ngày một thêm kiên quyết. Bởi vậy, ngay từ những buổi
diễn đầu tiên, bọn quí tộc đã phản ứng lại rất mạnh mẽ. Người ta kể lại rằng
buổi biểu diễn ấy, nhiều “bà cầu kỳ” có đến xem và sau đó thành lập một
nhóm phản kháng; vở kịch bị cấm diễn trong mười bốn ngày. Nhưng công
chúng lại rất hoan nghênh, một cụ già hô to: “Môlie, dũng cảm lên! Vở hài
kịch này hay lắm!”.
Năm 1662, Môlie cho diễn một vở kịch lớn, đã gây ra những cuộc tranh
luận gay go, có thể ví như cuộc tranh chấp chung quanh Lơxit của Cornây
hay Ăngđrômac của Raxin, đó là vở Trường học làm vợ. Acnônfơ nuôi một
cô gái nghèo khó từ ngày cô còn nhỏ là Anhetx với ý định sẽ lấy cô làm vợ.
Để Anhetx hoàn toàn thuộc về mình, Acnônfơ giam cầm cô trong một gian
buồng kín, không cho tiếp xúc với xã hội. Hắn dạy cô độc một điều là phải
tuân lệnh chồng; hắn muốn kìm hãm cô trong cảnh nô lệ. Nhưng một hôm,
nhân lúc hắn về quê, Anhetx đã gặp Hôraxơ và hai bên yêu nhau. Mặc dù bị
đe doạ, hai người vẫn cứ yêu nhau và vì một sự may mắn, họ thoát khỏi bàn
tay ác nghiệt của Acnônfơ và sẽ lấy nhau.
Trường học làm vợ bóc trần căn nguyên xã hội của chủ nghĩa ngu dân,
của chính thể độc đoán cưỡng bức và đàn áp con người. Môlie lên án gay
gắt Nhà Thờ, chế độ chuyên chế và những kẻ tư sản có tính chất gia trưởng.
Vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt và diễn không ngớt trên bảy mươi
buổi. Nhưng bọn quí tộc lại rất căm ghét Môlie. Chúng công kích ông kịch
liệt, kẻ thì kết tội ông không theo đúng quy tắc của Arixtôt, kẻ thì lên án
ông đã xúc phạm đến Nhà Thờ; tên công tước Đơ Lafơiat định cho người
hành hung nhà viết kịch. Và cũng từ đấy, chúng tung ra nhiều điều vu cáo