KẺ GHÉT ĐỜI - Trang 11

Từ 1645 đến 1658 là thời gian Môlie và các bạn đi biểu diễn khắp các

tỉnh; đoàn kịch của ông sát nhập với đoàn kịch của Sáclơ Đuy Frenơ một
thời gian. Ông đã từng biểu diễn ở Tuludơ, Anbi, Năngtơ và ở nhiều nơi
khác. Năm 1652, Lyông trở thành “đại bản doanh” của đoàn kịch Môlie.
Sau đó, đoàn xuống miền nam nước Pháp, lui tới Lănggơđốc, Môngpeliê.

Trong thời gian chu du khắp nước ấy, đoàn kịch Môlie đã diễn những vở

của Cornây, Rôtơru, những vở mô phỏng của nước Ý, những vở kịch hề
(phacxơ) dân gian và một ít vở do Môlie viết.

Thời gian mười hai năm “lưu lạc giang hồ” ấy là thời gian chuẩn bị cho

Môlie một sự nghiệp sáng tác vĩ đại. Qua kinh nghiệm thực tế phong phú,
Môlie dần dần trở thành người lãnh đạo toàn đoàn kịch và tự xác định cho
mình một đường lối nghệ thuật chân chính. Phong trào khởi nghĩa của nhân
dân ở khắp nơi, nhất là trong vụ La Frôngđơ, có ảnh hưởng to lớn đến sự
tạo thành nhân sinh quan và quan điểm nghệ thuật của ông. Ông đã được
thấy tận mắt những sự thật xấu xa, tàn bạo của bọn quí tộc; ông đã học
được ở nhân dân lòng yêu đời lành mạnh, thẳng thắn. Quan điểm nghệ thuật
dân gian dần dần được mài giũa; những tác phẩm đầu tiên của Môlie chính
là lấy đề tài trong những câu chuyện khôi hài của nhân dân Pháp. Ông đã
mang lại cho kịch hề dân gian những nét sáng tạo lớn, nâng nó dần lên
thành hài kịch phong tục và hài kịch tính cách, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, có
tính chiến đấu sắc bén.

Đoàn kịch của Môlie lúc này đã nổi danh khắp các tỉnh; danh tiếng vang

về đến kinh đô.Vua Lu-y XIV cho mời đoàn kịch về Pari, dành cho đoàn
điện Pơti Buôcbông để biểu diễn.

Chính ở điện Pơti Buôcbông, đoàn kịch Môlie đã ra mắt trước cung đình

năm 1658 và chinh phục được toàn thể công chúng với vở Những bà cầu kỳ
rởm, diễn ngày 18 tháng mười một, năm 1659.

Từ đây, cuộc đời Môlie bước vào một giai đoạn mới hẳn, giai đoạn sáng

tác một sự nghiệp hài kịch vĩ đại. Những tác phẩm danh tiếng của ông ra
đời liên tiếp, mỗi tác phẩm là một lời phê phán nghiêm khắc giai cấp quí
tộc, Nhà Thờ, chế độ độc đoán đang bành trướng hay cả giai cấp tư sản nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.