nhân dân Pháp trong công cuộc xây dựng quốc gia thống nhất và trong sự
hình thành dân tộc. Nó tiếp tục một cách xứng đáng chủ nghĩa nhân văn
thời đại Phục hưng và chuẩn bị cho nền văn học Ánh sáng, đầy tính chiến
đấu của giai cấp tư sản vào thế kỷ XVIII.
Tuy vậy, chủ nghĩa cổ điển cũng có những hạn chế nhất định của nó,
cũng như triết học duy lý của Đêcactơ. Các nhà văn cổ điển mới xây dựng
được những tính cách mà chưa đạt tới những điển hình của thời đại. Họ
chưa nhận định được rõ rệt những hoàn cảnh lịch sử quy định tính cách
nhân vật. Họ tưởng rằng lý trí của một số người có thể quyết định số phận
của loài người. Vì vậy, quy luật tam duy nhất chẳng hạn, tuy có nâng cao
lên một mức nghệ thuật kịch cổ điển, nhưng hạn chế việc giải quyết một
cách thoả đáng những mâu thuẫn mà kịch đã đề ra khá sâu sắc. Nhiều vở
hài kịch của Môlie cũng không tránh khỏi những hạn chế ấy.
Môlie là một trong những tên tuổi vinh quang nhất của chủ nghĩa cổ
điển Pháp. Là một nhà viết hài kịch, một diễn viên, một nhà dàn cảnh, một
nhà đạo diễn, ông đã suốt đời hy sinh tận tuỵ cho nghệ thuật chân chính, lấy
cái cười để cải tạo xã hội. Lúc ông còn sống, tên tuổi ông là một sự đe dọa
đáng sợ cho những thế lực phản động, cho Nhà Thờ lúc bấy giờ.
Jăng Baptixtơ Pôcơlanh tức Môlie, sinh năm 1622 ở Pari, trong một gia
đình tư sản làm hầu cận nhà vua. Sinh trưởng và lớn lên ở Pari, trong cung
đình, ông biết tường tận đời sống của bọn quí tộc và những người tư sản
giàu có. Từ 1636 đến 1641, ông học tại trường Clécmông lúc ấy rất nổi
tiếng. Bố ông là Jăng Pôcơlanh, định cho ông theo học luật và nối nghiệp
cha làm hầu cận nhà vua trong cung đình, nhưng Môlie lại có nhiệt tình với
sân khấu. Ông ham mê kịch từ hồi còn nhỏ tuổi và làm quen với những diễn
viên nổi tiếng lúc bấy giờ. Năm 1643, ông cùng với gia đình Bêgia và mấy
người bạn xây dựng một đoàn kịch; những năm 1643-1644, đoàn kịch này
di chuyển luôn trong các khu phố Pari mà cũng không nổi danh tiếng. Cuối
năm 1645, đoàn kịch của Môlie phải dời khỏi Pari đi diễn ở khắp nước
Pháp.