phẩm văn học, nghệ thuật thế kỷ XVII. Duy lý luận của Đêcactơ biểu hiện
tư tưởng tiền tiến của bộ phận tư sản đang lên và tiến bộ, cần cù và táo bạo,
nhiều tài năng và ham những chiến thắng. Tiếp tục sự nghiệp của thời đại
Phục hưng, Đêcactơ coi lý trí như vị “quan toà tối cao” có thể phán đoán
mọi giá trị.
Triết học duy lý công nhận lý trí của con người có thể nhận thức được sự
vật và ca ngợi tinh thần phê phán cũng như sự tự do tư tưởng của con
người. Nó là kẻ thù của triết học kinh viện và chủ nghĩa ngu dân của Nhà
thờ lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà Vaticăng đã kết án và cấm lưu hành tác
phẩm triết học của ông năm 1663.
Quan niệm về cái đẹp của chủ nghĩa cổ điển chính là dựa trên duy lý
luận: cách bố trí hợp lý, sáng sủa, khúc chiết, văn phong trong sáng, âm
điệu nhịp nhàng, cân đối. Lý trí được ca ngợi như là mực thước của mọi
tình cảm và hoạt động của con người. Dựa trên triết học duy lý, các nhà văn
cổ điển ca ngợi đời sống tự nhiên và phản đối tất cả những cái gì giả tạo,
ngăn trở sự phát triển tự nhiên của con người. Bi kịch của Raxin lên án
những ông hoàng bà chúa độc ác, đầy dục vọng mờ ám, xấu xa. Đặc biệt hài
kịch của Môlie và ngụ ngôn của La Fôngten công kích kịch liệt những thế
lực phong kiến bóp nghẹt đời sống của con người và chế giễu bọn quí tộc
dở hơi, ăn bám cùng tất cả cái nền “văn minh” rởm đời, giả tạo của chúng.
Môlie và La Fôngten đã chịu nhiều ảnh hưởng của nhà triết học duy vật
Gaxăngđi, người tiêu biểu nhất cho luồng tư tưởng tự do hồi thế kỷ XVII.
Các nhà văn cổ điển tiếp tục bảo vệ chủ nghĩa nhân văn đã phát triển rực rỡ
ở thế kỷ trước. Một số nhà văn cổ điển gần gũi với những tầng lớp nhân dân
lao động và chiến đấu chống lại những thế lực đàn áp con người, gò bó
cuộc sống, họ là kẻ thù của những bọn đạo đức giả, của bọn đại quí tộc truỵ
lạc, độc ác, độc đoán và vô liêm sỉ như Tactuyp, Đông Juăng - những nhân
vật nổi tiếng trong hài kịch của Môlie.
Chủ nghĩa cổ điển là một giai đoạn phát triển quan trọng của lịch sử văn
học Pháp. Nó gắn liền với truyền thống dân tộc, đưa văn học dân tộc lên
một bước đường mới hẳn, chính bởi vì nó phản ánh cuộc đấu tranh của