là của Boalô, đã dũng cảm chống chọi lại tất cả những lời vu khống, công
kích của bọn phản động; cuối cùng vở Tactuyp được diễn ngoài công chúng
năm 1669 và được hoan nghênh nhiệt liệt. Trong vở này, nhà văn đưa lên
sân khấu một tên đạo đức giả, nấp dưới bóng Chúa để làm mọi điều xằng
bậy đen tối nhất: lừa bịp Orgông, chiếm con gái và tán tỉnh vợ anh ta, đoạt
gia tài và làm tan nát gia đình anh ta; Tactuyp còn là một tên gián điệp nguy
hiểm đã lừa gạt Orgông để lấy những tài liệu chính trị bí mật.
Tactuyp mang một nội dung xã hội và một nội dung chính trị sâu sắc và
tiến bộ. Trước hết, Môlie đả kích đến tận cơ sở của tôn giáo, vạch mặt bọn
Giêduyt, tay sai nguy hiểm nhất của chủ nghĩa phong kiến lúc bấy giờ. Nó
có mặt ở đâu, là ở đấy có sự đổ vỡ, tan nát, rối loạn, nó làm cho con người
trở thành ngu ngốc, mất hết nhân cách. Môlie đã nhận định dứt khoát rằng,
muốn cho gia đình, xã hội được yên vui, chỉ có một cách là đuổi cổ nó ra
khỏi xã hội, phải loại trừ nó ra ngoài phạm vi cuộc sống. Không những
Môlie đã đả phá tôn giáo, ông còn lên án chế độ chuyên chế lúc bấy giờ.
Hình ảnh Tactuyp chính là hình ảnh của sự đàn áp, của sức mạnh tàn khốc
“muốn gì là quyết hung hăng đòi cho kỳ thoả mãn” (lời của Enmia, một
nhân vật trong vở kịch). Từ một tên lưu manh, dần dần nó đã “làm chủ” gia
đình Orgông; theo lời của Đamit, nó “lộng quyền chuyên chế”, việc gì cũng
muốn nhúng tay điều khiển. Rõ ràng Tactuyp có những hành động độc đoán
vô cùng tàn nhẫn. Cũng như Raxin công kích triều đại độc đoán Lu- y XIV
qua nhân vật Nêrông trong bi kịch Britanniquyt, Môlie qua nhân vật
Tactuyp đã tố cáo tội ác của nền quân chủ chuyên chế đang ra sức bóp
nghẹt đời sống của nhân dân lúc bấy giờ.
Sau Tactuyp, Môlie sáng tác vở hài kịch lớn viết bằng văn xuôi, nhan đề
Đông Juăng. Đông Juăng là một nhân vật truyền thuyết trong nhân dân Tây
Ban Nha; nhiều nhà văn trước và sau Môlie đã sáng tác về đề tài hấp dẫn
ấy. Vở kịch của Môlie đã vượt xa những tác phẩm của các nhà văn khác và
họa nên một bức chân dung hoàn chỉnh, rất sinh động về tên đại quý tộc lưu
manh và tàn ác ấy. Dưới ngòi bút của Môlie, Đông Juăng hiện nguyên hình
là một kẻ sống ăn bám, với một tâm hồn súc vật; cái vẻ hào hoa phong nhã