Trong Những bà cầu kỳ rởm, ông đã chế giễu những kẻ say sưa với
những câu thơ hoa tình trống rỗng, những tiểu thuyết công thức, gàn dở; ở
đây, ông châm biếm cái thứ “triết học” u mê và cái thứ “khoa học” hình
thức bịp đời của thế giới Trung cổ. Thay thế cho các cô Catôt và Mađơlông
hời hợt, học đòi làm quý tộc, là những bà Phtiamanhtơ, Bêlidơ và
Acmăngđơ, “những bà thông thái”, rởm đời, kiêu ngạo. Môlie làm sống lại
trên một phạm vi rộng lớn hơn, những nhân vật gàn dở ông đã đưa lên sân
khấu trước đấy mười ba năm.
Tác phẩm cuối cùng của Môlie là Người bệnh tưởng (1673). Đây là lời
công kích cuối cùng triết học kinh viện của Môlie. Ông mang lên sân khấu
làm trò hề một bọn cổ hủ, bọn thầy thuốc đại diện cho cái thứ khoa học giáo
điều ngu dốt, sẵn sàng phản ứng lại sự tiến bộ. Tác phẩm này là một lời ca
ngợi nồng nhiệt khoa học chân chính, đồng thời nó công kích những thói
giả nhân giả nghĩa, lừa bịp, ích kỷ của quan hệ tư bản chủ nghĩa. Những
buổi diễn đầu tiên Người bệnh tưởng được hoanh nghênh nhiệt liệt chưa
từng thấy. Nhưng đó cũng là những lần cuối cùng nhân dân Pari tiễn biệt
nhà văn vĩ đại của mình.
Môlie là một trong những nhà viết hài kịch lớn nhất của nhân loại. Ông
đã dùng tiếng cười làm một vũ khí chống lại tất cả những cái gì đã lỗi thời
mà còn cố bám lấy xã hội, ngăn cản cuộc sống mới phát triển. Cái cười của
Môlie là cái cười thẳng thắn, khoẻ mạnh, yêu đời và mang một nội dung
tiến bộ.
Cũng như các nhà văn cổ điển khác, Môlie quan niệm văn học có mục
đích giáo dục con người. Bi kịch của Cornây là “trường học của những tâm
hồn cao thượng”, ngụ ngôn của La Fôngten có tính giáo huấn rõ rệt. Hài
kịch của Môlie nhằm “sửa chữa phong hoá bằng cái cười” (Castigat ridendo
mores). Cái cười làm cho mọi người thấy được những cái gàn dở, xấu xa,
lạc hậu khiến cho người ta hư hỏng, mù quáng hay tàn ác. Theo các nhà văn
cổ điển, tác phẩm văn học có mục đích “mua vui” cho độc giả. Môlie tự đặt
cho ông nhiệm vụ “mua vui” cho quần chúng và cung đình. Một vở hài kịch
làm cho quần chúng và cung đình vui thích là đã “đạt được mục đích”.