héo, nhưng cốt lõi vẫn không phải là không còn màu xanh. Ảnh của cô có
sức sống.
Sau khi chụp xong loạt ảnh bên cây cầu đó, mọi người đều lên xe trở
về Tokyo. Tôi đi xe của Nguyễn. Anh ta hỏi tôi, mấy giờ rồi nhỉ. Tôi nhìn
đồng hồ ở điện thoại, đáp, vẫn còn sớm. Nguyễn nói, vậy đi chụp ảnh tự do
một lát, cô có muốn đi cùng không ? Tôi cười nói, được thôi.
Không ngờ Nguyễn lại đưa tôi tới một khu chợ. Gửi xe xong, chúng
tôi liền đi vào đó. Anh ta nói, khu chợ này rất đặc biệt, các thực phẩm ở đây
đều là do người dân tự nuôi trồng, sau đó đem bán, rất ngon, khi về nếu
thích cô có thể mua một ít thử xem. Tôi mỉm cười, nhất định sẽ mua, dù sao
tủ lạnh ở nhà tôi cũng trống khá lâu rồi.
Anh ta lấy máy ảnh ra, tôi cũng bỏ máy ra khỏi túi. Vừa đi vừa chụp,
xung quanh có rất ít người, khác xa những khu mua sắm sầm uất ở Tokyo,
vì thế mà âm thanh cũng ít hơn rất nhiều. Tôi không chọn góc chụp, cứ bấm
một cách vô thức, ngắm rất nhanh. Chụp một bó rau cải, người bán hàng,
những cụ già mặc bộ kimono đã bạc màu, quả cà chua đỏ, mấy đứa trẻ nô
đùa... Những cảnh đời thường rất thực, khiến cho người ta thấy bình yên.
Tôi mua một ít cà chua, cá, một số loại củ quả khác. Người bán hàng là một
phụ nữ trung niên, mặc chiếc kimono màu hồng, in hình những cánh
sakura, đã sờn bạc đôi chỗ, có nét cũ kĩ, bế con nhỏ, ngồi trên chiếc ghế gỗ
thấp bé. Khi trả tiền, tôi phải cúi xuống. Cô ấy cười với tôi, nói cảm ơn, nếu
thấy ngon thì ngày mai lại đến. Tôi chỉ cười, không đáp. Nguyễn vẫn im
lặng bấm máy.
Tôi hỏi Nguyễn, mục đích trở thành nhiếp ảnh gia của anh là gì.
Nguyễn nói, cũng giống như cô, muốn lưu giữ thời gian. Tôi lại hỏi, vì sao
anh lại muốn đến đất nước này chụp ảnh ? Nghe nói trước kia anh còn được
mời sang Mĩ, nhưng từ chối và đi Nhật.