Tại sao lại viết về bản thân mình? Tự truyện là thứ quá nguy hiểm và tự
mê, quá đớn đau đối với người thân, quá tục tĩu và vĩ cuồng… Có một lý do
cho nạn dịch “tự thú trơ trẽn” (như Tanizaki nói), một lời giải thích mà giới
phê bình chưa bao giờ chỉ ra được: hiện tượng này xuất phát từ truyền hình.
Bởi tất cả các nhà văn đều đã bị “truyền thông hóa” nên ta không thể đọc họ
như trước đây nữa. Ngay cả khi không muốn, độc giả vẫn buộc phải tìm
kiếm tác giả sau các nhân vật, còn hơn cả Sainte-Beuve ở thời của ông. Ta
có nỗ lực bằng giời để tin rằng mình đang đọc một tác phẩm hư cấu thì
cũng chỉ tổ uổng công, ngày nay mỗi lần đọc sách văn học là một lần ta
thực hành thói dòm ngó. Ta muốn khui ra cái ông nhà văn “thấy trên truyền
hình” hay thấy ảnh trên báo chí trong cuốn tiểu thuyết của ông ta. Nếu các
nghệ sĩ đều không ẩn náu như Salinger thì họ sẽ phải phô mình ra trong tác
phẩm của chính mình, hoặc (dù không muốn), phải làm cái bóng cho nó.
Chính vì vậy, dù cố làm khác đi, dù có cởi mở với trí tưởng tượng thì, bất
chấp bản thân mình, khi đọc, tôi vẫn càng lúc càng khó chịu đựng nổi
những cuốn sách có tác giả không phải nhân vật chính. Huống hồ người viết
lại là tôi. Bởi không đủ can đảm biến mất, tôi phải phô mình cho đến khi nổ
tung.
***
Thứ Ba.
Michel Houellebecq gọi điện cho tôi. Khi tôi hỏi anh có ổn không, ảnh
trả lời (sau một hay hai phút yên lặng gì đó):
- Nhìn chung là không.
***
Thứ Tư.