Ngồi gần anh có một đám lính đang uống rượu. Một người trong bọn
đang to tiếng kể lại một chuyện về đàn bà mà Meaulnes chỉ nghe được từng
đoạn: “...Tôi đã bảo nó... cô chắc chắn phải biết rõ tôi... Tối nào tôi chẳng
đánh bài với chồng cô!” Những người khác cả cười, quay mặt đi, nhổ nước
bọt ra phía sau ghế.
Bộ dáng tiều tụy, bụi bám đầy người, vẻ như một gã ăn mày, Meaulnes
ngồi nhìn họ, tưởng tượng bọn họ đang bồng Valentine trên tay.
Một hồi lâu, cỡi xe, anh chạy mãi quanh Nhà thờ, thầm nghĩ: “Tóm
lại ta tới đây chỉ vì ngôi Nhà thờ này!”
Từ khắp các phố, trên công viên vắng người, đều có thể thấy nóc giáo
đường vươn cao, thản nhiên, đồ sộ. Những con phố hẹp và bẩn như những
ngõ nhỏ bao quanh các Nhà thờ ở thôn quê. Đó đây lại thấy nơi một ngôi
nhà có treo ngọn đèn màu đỏ, biểu tượng cho một ổ điếm...
Meaulnes cảm thấy nỗi đau của mình thêm nặng trong khu phố bẩn
thỉu, tội lỗi, hẻo lánh, như thuở xa xưa người ta cảm thấy điều ấy bên dưới
những cây cột ngoài cửa các giáo đường. Anh nhận ra niềm lo sợ pha lẫn
ghê tởm mang tính chất đặc biệt nông dân trong anh đối với ngôi Nhà thờ
được xây cất giữa một khu vực loại này, nơi mà bao nhiêu điều mờ ám xấu
xa đều có lén ghi dấu tích; và những đau khổ thuần khiết nhất của tình yêu
đã không thể được cứu chữa.
Có hai cô gái điếm ôm lưng nhau đi qua mặt anh, đưa cặp mắt lơ láo
ngó anh. Vì ghê tởm hay muốn thử thách, hoặc để trả thù mối tình của
mình, hay để cho nó càng đắm chìm thêm nữa, Meaulnes chậm chạp đạp xe
theo. Một cô có mấy sợi tóc vang lơ thơ kéo ra phía sau búi lại thành một
cục tóc giả trông thật tội nghiệp, hẹn anh sáu giờ chiều tới vườn tòa Tổng
Giám Mục, địa điểm mà Frantz, trong một bức thư, đã hẹn với cô nàng
Valentine đáng thương
Anh chẳng đáp “không” vì biết chắc rằng giờ đó anh đã rời khỏi
thành phố này từ trước. Đứng trong khung cửa sổ thấp, tại con đường dốc,
cô gái còn lơ đãng ra dấu cho anh.
Anh vội vàng ra về.