Thằng bé gãi đùi, định nói gì đó nhưng lại thôi. Thằng bé hút sồn sột chỗ
nước do đá trong cốc tan ra hòa với một ít nước cam sót lại trong ly. Loa
trong quán nước vang lên bài hát Giáng sinh.
“Cháu muốn chú, không phải lão đó.”
“Không được.”
“Mẹ cháu không tốt à?”
“… Bố cháu đâu?”
“Không biết.”
Tôi không hiểu tại sao mình lại hỏi thằng bé những câu hỏi như thế. Sau
khi lấy hóa đơn tính tiền, tôi ra khỏi quán, thằng bé cũng đi theo.
Ra khỏi cửa Đông ga Shinjuku, tôi vừa tránh dòng người liên tục di
chuyển vừa rảo bước dưới ánh đèn nê-ông. Khi tôi dựa vào tường một tòa
chung cư để châm thuốc thì bắt gặp ánh mắt một người vô gia cư đang đi
đến. Thằng bé hoảng sợ khi thấy người vô gia cư đó nên tiến lại gần, nó
định nắm lấy tay áo tôi nhưng rồi lại thôi. Tôi tiếp tục hút thuốc và ngắm
dòng người qua lại không ngừng.
“Con người không phải lúc nào cũng tập trung đâu… Trong một ngày,
rất nhiều lần họ lơ đễnh.”
“Vâng.”
Thằng bé chẳng hiểu sao lại cầm theo miếng lót cốc màu mè ở quán
nước lúc nãy.
“… Chẳng hạn khi bị ai đó gọi tên hay nghe thấy tiếng động lớn, lúc đó
đa phần tâm trí của con người đều tập trung vào tiếng gọi hay tiếng động
đó. Ví dụ như cháu lúc nãy cũng bị người vô gia cư kia làm cho mất tập
trung. Sự nhận thức của con người có giới hạn. Cụ thể, con người rất nhạy
cảm khi hít vào hoặc nín thở, nhưng lại lơ là khi thở ra.”
Thằng bé chuyển ánh mắt xuống tay áo của tôi.
“Kẻ móc túi sẽ tận dụng sơ hở này. Cách điển hình là lấy ví lúc va chạm.
Nhưng thật ra móc túi không phải là hành động đơn lẻ. Cần phải có đồng
bọn. Thường là ba người. Một người xô vào đối tượng, một người che mắt