“Và còn cho cơ quan mật vụ Israel nữa…”. Hắn ta nhìn Gabriel và cố nở
một nụ cười nghiêm nghị. “Tôi phải thú nhận rằng người Israel không được
yêu thích lắm ở quê hương tôi. Vợ tôi là người Palestine. Cô ấy đã chạy
trốn sang Ai Cập với gia đình năm 1948 sau vụ Al Nakba và định cư ở
Cairo. Mỗi tối, trên bàn ăn tôi đã nghe về những nổi đau của người
Palestine gần ba mươi lăm năm nay. Con trai tôi tiếp thu điều đó từ dòng
sữa mẹ. Nó vừa là người Ai Cập vừa là người Palestien, một sự pha trộn kỳ
quặc”.
“ Đấy có phải là lí do ông theo tôi tối nay không, Ibrahim – để tham gia vào
cuộc tranh luận về đề tài lưu vong của người Palestien và những tội ác của
những người sáng lập nước Israel”.
Người đàn ông Ai Cập nói. “Có lẽ để lúc khác. Hãy tha lỗi cho tôi. Giờ anh
không còn tấn công tôi, nên tôi đang cố gắng để có một cuộc chuyện trò
lịch sự. Tôi là giáo sư ở Ai Cập trước khi di cư qua Hà Lan. Vợ và con trai
tôi lại kết tội tôi vì tôi là giáo sư. Họ đã dành cả cuộc đời để lắng nghe tôi
diễn thuyết. Tôi e là họ không còn chịu đựng nổi tôi nữa. Khi có cơ hội dạy
học, tôi sẽ nắm lấy”.
“Thế ông cũng là thầy giáo ở Hà Lan chứ?”.
“Ở Hà Lan ư?”, ông ta lắc đầu. “Không, ở Hà Lan tôi chỉ là công cụ. Năm
1982 chúng tôi quyết định rời Ai Cập vì nghĩ rằng con trai mình sẽ có nhiều
cơ hội hơn ở phương Tây. Tôi là người có giáo dục nhưng nền giáo dục của
tôi là nền giáo dục của Ai Cập nên ở đây tôi không có giá trị gì cả. Tôi làm
nghề xây dựng cầu đường cho đến khi bị bệnh ở lưng. Sau đó tôi làm nghề
quét đường trên các con phố cổ ở Rotterdam. Cuối cùng, khi không còn đẩy
nổi cây chổi, tôi vào làm việc cho một phân xưởng làm đồ nội thất ở Tây
Amsterdam. Quản đốc xưởng cho tôi làm 14 tiếng một ngày. Một đêm,
trong lúc ngủ gật, tôi đã làm lưỡi cưa hình tròn đi sai hướng”.
Ông ta nhấc bàn tay bị huỷ hoại lên cho Gabriel xem. “Trong thời kỳ nghỉ
dưỡng thương, tôi quyết định tận dụng thời gian của mình bằng cách học
nói tiếng Hà Lan cho chuẩn. Khi giám đốc nhà máy nghe nói về việc của
tôi, ông ấy bảo tôi đừng lãng phí thời gian vì một ngày nào đó không xa, tất
cả những đứa con tha phương sẽ trở về quê nhà. Tất nhiên ông ấy sai”.