“Nhưng đây là New York cơ mà.”
Và đó là tôi, Rhyme không thể không nghĩ.
“Tôi xem nó được không?” Sachs hỏi. Cô mở sách đến chương đó và bắt
đầu đọc lướt.
“Ngắn ngủn,” Rhyme quan sát và còn bực mình hơn nữa. Cuộc điều tra về
Kẻ thắt cổ ở Boston có được nhiều trang hơn chăng?
“Anh biết không,” Sachs nói, “hình như em nhớ thời gian trước có nói
chuyện với một phóng viên. Anh ta bảo anh ta đang viết một cuốn sách và
mời em đi uống cà phê để tìm hiểu những chi tiết đã không được đăng báo
hay ghi vào hồ sơ chính thức.” Cô mỉm cười. “Em nghĩ anh ta có nói đã gọi
cho anh nữa, Rhyme, và anh đã nhai đầu anh ta rồi cúp máy.”
“Anh chả nhớ gì cả,” anh làu bàu. “Báo với chẳng chí. Nó thì có ích lợi gì cơ
chứ?”
“Anh đã viết cái kia còn gì,” Pulaski hất đầu về phía giá sách, chỉ ra trên đó
là cuốn sách phi hư cấu của chính Rhyme viết về những hiện trường vụ án
nổi tiếng ở thành phố New York.
“Đó chỉ là một thú vui. Tôi không hiến dâng đời mình để nhai lại những câu
chuyện gay cấn hòng phục vụ đám khán giả hút máu.”
Mặc dù có lẽ anh nên viết giật gân hơn, anh nghĩ lại; cuốn Những hiện
trường tội ác từ nhiều năm trước đã là dạng sách ế.
“Câu hỏi quan trọng là, Nghi phạm Mười một-Năm này quan tâm gì đến vụ
án Kẻ tầm xương?” Anh hất cằm về phía cuốn sách. “Bản chất chương nói
về tôi là gì? Nó có một chủ đề nào không? Tác giả có mục đích cá nhân nào
không?”
Vì Chúa, nó dài bao nhiêu trang cơ chứ? Chỉ mười trang ư? Rhyme ngày
càng bị chạm tự ái hơn.