“Trong những năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn tiệm cận
mức tuyệt đối. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp
hệ giáo dục trung học phổ thông đạt 97,52% (“hơi giảm” so với
98,97% của năm học 2011 - 2012).
Một kỳ thi mà chỉ có một vài phần trăm học sinh không đỗ, điểm
thi của nó sau đó cũng không được sử dụng cho mục đích gì đáng kể,
trong khi nó gây tốn kém rất lớn về công sức, tiền bạc, gây tắc
đường, tăng tai nạn giao thông..., tôi nghĩ không cần phải tổ chức
nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể cấp chứng nhận tốt nghiệp cho tất
cả học sinh khi họ kết thúc toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông,
việc chọn lọc học sinh sẽ thực hiện qua các kỳ thi đại học, cao đẳng
(bản thân các kỳ thi này cũng cần được hoàn thiện).
Không nên tiếp tục một cách làm vất vả, tốn kém như thi tốt
nghiệp khi mà nó đã không còn tạo được giá trị lớn hơn các loại phí
tổn phải bỏ ra.”
Sau cuộc thi tốt nghiệp phổ thông năm nay với tỷ lệ đạt tốt
nghiệp cũng khoảng 99%, tôi càng tin tưởng vào sự cần thiết phải
thay đổi cách thi cử, phân luồng học sinh theo các kinh nghiệm tốt
của thế giới. Kinh nghiệm mà tôi thường nhắc đến trong các bài
viết, kiến nghị của mình là kinh nghiệm giáo dục Singapore, một
trong các nền giáo dục được thế giới đánh giá rất cao.
Có điều kiện tiếp cận nhiều nền văn hóa, giáo dục của các
nước tiên tiến, nên ông có những nhận định, so sánh với giáo dục
nước nhà. Vì vậy, mặc dù là một chuyên gia hàng không, nhưng tên
ông và các bài viết của ông thời gian gần đây xuất hiện nhiều
trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí là nhiều hơn không ít chuyên gia
giáo dục. Ông cảm thấy thế nào về điều này?