Nam-mới, với tố chất tinh thần và kiến thức, kỹ năng tốt hơn,
với lối tư duy khác nhiều so với chúng ta. Cần cải thiện, nâng cao
chất-lượng-người. Cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo
ra những thế hệ người Việt Nam tốt hơn, có năng lực hơn các thế
hệ chúng ta.
Khi nói điều trên, tôi nghĩ đến cuộc đổi mới toàn diện giáo dục
Nhật Bản thời Minh Trị – bước khởi đầu và yếu tố quan trọng
nhất để Nhật Bản từ một nước lạc hậu, lệ thuộc trở thành cường
quốc.
Kỳ thi chưa hoàn hảo ngay là điều bình thường
Trở lại đề xuất tổ chức một kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét
tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng,
ông có những ý tưởng nào giúp các nhà hoạch định chính sách thực
hiện ngay trong năm 2015?
TS. Lương Hoài Nam: Tôi không biết có nên gọi cuộc thi đó là
cuộc thi tốt nghiệp hay không? Thật ra bằng tốt nghiệp phổ thông
lâu nay không có nhiều giá trị đối với một con người sau khi nó
được sử dụng cho việc thi vào đại học hay trường nghề. Nó được
dùng cho rất ít loại công việc như điều kiện đầu vào, còn những
công việc lao động chân tay nhiều khi chẳng cần đòi hỏi bằng tốt
nghiệp phổ thông để làm gì.
Sau khi học sinh kết thúc chương trình học phổ thông, mục đích
chính của kỳ thi là phân luồng. Học sinh nào vào đại học, trường
nào? Học sinh nào vào trường nghề, trường nào? Những học sinh
không đủ điều kiện vào đại học hoặc trường nghề thì mặc nhiên có
hai lựa chọn: học lại, hoặc đi ra thị trường lao động (làm những công
việc không đòi hỏi bằng cấp).