Long Thành cần phải thay đổi được thực tế này; nếu không bằng
được các sân bay ở Singapore và Hồng Kông thì cũng phải bằng
hoặc tốt hơn các sân bay ở Bangkok, Kuala Lumpur.
- Năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam:
Tất cả sân bay quốc tế lớn đều là trung tâm khai thác của các
hãng hàng không địa phương lớn. Có ý kiến cho rằng nên mời một
hãng hàng không nước ngoài lập trung tâm trung chuyển tại sân bay
Long Thành, điều này chưa từng có trong thực tiễn hàng không thế
giới, mà cũng không khả thi. Ưu tiên hàng đầu của Singapore
Airlines là vận chuyển thật nhiều hành khách, hàng hóa đi và đến
Singapore để phát triển kinh tế, du lịch Singapore, không phải ưu
tiên phát triển kinh tế Việt Nam. Các hãng hàng không lớn khác
cũng tương tự.
Vì vậy, thành công của dự án sân bay Long Thành phụ thuộc
nhiều vào tương lai phát triển và khả năng cạnh tranh quốc tế của
các hãng hàng không Việt Nam. Các sân bay Bangkok, Singapore,
Kuala Lumpur, Hồng Kông đều là trung tâm của các hãng hàng
không lớn, có chất lượng dịch vụ 5 sao. Nếu các hãng hàng không
Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh quốc tế, họ có thể đề
nghị nhà nước bảo hộ bằng chính sách hạn chế cạnh tranh quốc
tế, chủ yếu là thông qua việc cấp thương quyền và hạn chế tải
cung ứng. Điều đó, nếu xảy ra, sẽ đi ngược lại xu thế tự do hóa vận
tải hàng không của khu vực và thế giới, đồng thời cũng sẽ làm giảm
hiệu quả kinh doanh của sân bay. Các hãng hàng không Việt Nam
mạnh, kết hợp với chính sách tự do hóa vận tải hàng không quốc
tế là rất quan trọng để dự án sân bay Long Thành đạt hiệu quả tốt.
Ngược lại, dự án sẽ gặp khó khăn.
- Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch: