Người châu Âu tìm ra Oceania, châu Bắc Cực và châu Nam Cực.
Nghĩ thì hơi buồn cười, nhưng người châu Âu cũng “khám phá”
ra châu Á để đến giao thương. Người châu Âu “khám phá” ra Việt
Nam, tìm đến Vân Đồn ở miền Bắc, Hội An ở miền Trung, chứ
họ mà ngồi chờ người Việt Nam đến thì lâu lắm!
Với bầu trời, hằng đêm, người châu Á và người châu Âu ngước
nhìn lên trăng sao. Họ có cảm hứng làm thơ. Họ tìm được những quy
luật chuyển động của các vì tinh tú ảnh hưởng đến khí hậu, nghề
nông, nghề ngư. Người châu Á chỉ dừng lại ở đó.
Nhưng người châu Âu lại khác. Họ muốn lên tận “trên đó” xem
chúng như thế nào, có cái gì. Họ muốn khám phá và quyết khám
phá vũ trụ.
Năm 1957 người Nga phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo. Cũng
trong năm đó, họ đưa chó Laika bay vào vũ trụ. Chỉ bốn năm sau,
Gagarin đã trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên. Không chịu “kém
miếng”, năm 1969, người Mỹ (gốc cũng là người châu Âu) đưa
người lên mặt trăng, với câu nói bất hủ của nhà du hành vũ trụ Neil
Armstrong: “Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước
tiến khổng lồ của nhân loại”. Mặt trăng đã được người Âu – Mỹ
chinh phục đầy ngoạn mục. Họ đã và đang hướng đến một mục tiêu
xa hơn và khó hơn nhiều: Sao Hỏa! “Mars One”, một công ty có trụ
sở tại Hà Lan, bắt đầu tuyển dụng hành khách cho các “chuyến
bay một chiều” lên Sao Hỏa. Chỉ có chiều đi, ngày đi, không hề có
chiều về. Khám phá trái đất và vũ trụ để mở mang kiến thức con
người là công việc nguy hiểm. Nhiều nhà thám hiểm đã bỏ mạng
trong hành trình đi tìm kiến thức. Hầu hết họ là người châu Âu
hoặc người Mỹ gốc Âu.
…