Có hai thứ làm tôi nghĩ như thế. Đó là Biển và Trời. Tôi cảm
thấy sự ứng xử của người châu Á và người châu Âu đối với hai thứ
đó có những điểm giống nhau, nhưng có những điểm rất khác
nhau.
Người châu Á và người châu Âu đứng trước biển. Cả hai đều thấy
biển có muối và cá. Họ lấy muối và cá về nhà ăn. Họ thấy nước
biển có thể nâng thuyền và gió biển có thể đẩy thuyền đi. Họ đóng
thuyền để đánh bắt cá, đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Nhưng người châu Á không ra xa. Họ nhìn thấy đường chân trời
và nghĩ biển là phẳng và vô tận. Với người châu Á, đi về hướng đó là
đi vào cõi hư vô bất tận. Người châu Á không đi. Họ chỉ ra xa chừng
nào còn nhìn thấy đất liền để biết đường quay về.
Hơn 2.500 trước, Pythagoras, một nhà toán học và triết học châu
Âu, cho rằng trái đất (kể cả biển trên nó) là hình cầu, đồng nghĩa
với việc nó không vô tận, mà hữu hạn. Nếu trái đất hình cầu, theo
logic, cứ đi thẳng mãi về một hướng, sớm muộn gì cũng sẽ trở về
điểm xuất phát. Nếu đi mãi về hướng chân trời, sớm muộn gì sẽ
tìm thấy cái-gì-đó, chứ không phải là đi vào cõi hư vô bất tận (như
người châu Á nghĩ).
Với niềm tin sắt đá và ý chí phi thường, vào thế kỷ thứ 11, Leif
Erikson, người Iceland, và đoàn thám hiểm Norse đã “Tây tiến” vượt
Đại Tây Dương và đến được châu Mỹ tại nơi sau này được đặt tên là
Newfoundland, cực Đông của Canada. Gần 500 năm sau,
Christopher Columbus, người Genoa (nay thuộc Italia), cùng đoàn
thám hiểm của ông lại giương buồm “Tây tiến” vượt Đại Tây Dương
và đến được châu Mỹ, nơi họ lúc đầu tưởng lầm là Ấn Độ, với
những thổ dân da đỏ mà họ gọi là người Ấn Độ (Indians). Sau này,
khi đã biết rõ hơn châu lục đó, người ta gọi nó là “Tân Thế Giới”
(“New World”).