Tôi muốn hỏi là chúng ta, người Việt, quan tâm đến loại, kiểu
giáo dục nào, đến những mục đích giáo dục nào, trong gia đình và
trong nhà trường?
Tôi có cảm giác rằng, phần đông người Việt quan tâm đến mục
tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những
việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan. Ít ai che
giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm
lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và
vui thích với những gì được bố mẹ dành cho. Con cái cũng chẳng lạ
với việc bố mẹ chạy trường, chạy lớp, với chuyện quà cáp, phong bì
cho các thầy cô giáo để chúng vào được trường tốt, lớp tốt, được
điểm cao.
Nhưng kết quả là gì? Kết quả là năng suất lao động xã hội của
người Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 Singapore. Kết quả là
Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thu
nhập bình quân tính theo sức mua (PPP) của Việt Nam thua
Singapore 28 lần.
Còn sáu năm trước mốc trở thành nước công nghiệp vào năm
2020, câu hỏi khó được nêu ra ở nghị trường là tại sao Việt Nam
không sản xuất nổi cái sạc pin, tai nghe, ốc vít cho điện thoại di
động Samsung? Rồi tại sao không sản xuất nổi ốc vít cho cánh
máy bay Boeing B777? Ốc vít chỉ là một thứ nhỏ, cụ thể, để nêu lên
một câu hỏi rất lớn về khả năng nghiên cứu – phát triển, tổ chức
sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp của nước ta. Khó
nhớ ra được một sản phẩm công nghiệp chế tạo nào của Việt Nam
trong suốt mấy chục năm nay sau xe công nông. Khó tìm được các
sản phẩm công nghiệp tiêu dùng mang thương hiệu Việt tại các siêu
thị điện máy. Các mặt hàng nông sản chế biến của ta cũng rất khó
thấy ở các siêu thị nước ngoài.