Nếu các lợi ích đủ lớn, còn các rủi ro (hậu quả) được nhận thức là
nhỏ (hoặc không có rủi ro) thì người đó sẽ hành động theo “sự chỉ
đạo” của nhu cầu bản thân. Bối cảnh hành động chỉ có thể làm tăng
hoặc giảm lợi ích và rủi ro.
Một vị quan thực hiện hành động tham ô vì lợi ích tiền bạc cho
chính mình. Khi tham ô, vị quan đó nhận thức rủi ro của hành động
tham ô là nhỏ.
Một người dân cướp của, người đó cướp của không phải vì theo
gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích tiền bạc cho
chính mình. Khi cướp, người đó nhận thức rủi ro của hành động cướp
là nhỏ.
Một người dân lao vào hôi của trong một vụ tai nạn giao thông
hoặc thiên tai, người đó hôi của không phải vì theo gương xấu của vị
quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích vật chất cho chính mình. Hôi của
cũng là cướp của. Khi hôi của, người đó nhận thức rủi ro bị xã hội lên
án, hoặc bị bắt ra tòa xử, là nhỏ.
Một người dân vượt đèn đỏ, người đó vượt đèn đỏ không phải vì
theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn đi nhanh qua
ngã ba, ngã tư. Vượt đèn đỏ là “cướp” đường, thời gian và sự an toàn
của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi vượt đèn đỏ, người
đó nhận thức rủi ro mình bị các xe đi theo tín hiệu đèn xanh đâm
chết, hoặc bị công an bắt phạt tiền, là nhỏ.
Một người dân chen lấn, xô đẩy khi mua hàng hay khám bệnh,
người đó chen lấn, xô đẩy không phải vì theo gương xấu của vị quan
xấu nào đó, mà vì muốn mua được hàng, hoặc được khám bệnh,
nhanh hơn những người khác. Chen lấn, xô đẩy là “cướp” thời gian,
sức khỏe của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi chen lấn,
người đó nhận thức rủi ro bị lên án là nhỏ.