hành, thi cử trong một nền giáo dục chưa tạo được sự yên tâm, tin
tưởng của cả giới chuyên môn lẫn người dân?
Nếu như sự quan tâm đến giáo dục là tích cực thì sự bận tâm lại
mang tính tiêu cực, nếu không phải bận tâm hoặc bớt phải bận tâm
thì tốt hơn. Nhưng sự thật là cả giới chuyên môn và người dân nước
ta không thể không bận tâm được. Và dưới góc nhìn nhất định,
những buổi lễ khai giảng đầy cờ hoa, khẩu hiệu, các bài phát biểu
dõng dạc không hẳn là thể hiện sự thỏa mãn, hài lòng với thực trạng
nền giáo dục, mà là để thêm một lần hạ quyết tâm nâng cao chất
lượng dạy và học. Năm nào cũng như vậy, nhưng chưa thay đổi được
bao nhiêu nên vẫn phải tiếp tục hạ quyết tâm.
Nếu góc nhìn trên của tôi là sai thì mong Bộ trưởng lượng thứ,
nhưng tôi xin được trình bày một số điều mà nền giáo dục Việt
Nam, theo tôi, đã và đang tạo ra sự bận tâm cho cả giới chuyên môn
và người dân, như sau:
1) Kết cấu chương trình giáo dục phổ thông
Chương trình học phổ thông của ta quá nặng các môn tự nhiên
(toán, lý, hóa), nhẹ các môn xã hội, giáo dục kỹ năng sống và làm
việc (văn, sử, địa, ngoại ngữ, giáo dục giới tính, giáo dục công dân,
kiến thức pháp luật, kỹ năng thuyết trình, làm việc theo nhóm, thể
dục thể thao,...).
Nếu như việc học nặng các môn tự nhiên chỉ bổ ích cho những
người chọn các ngành khoa học tự nhiên khi vào đại học và ra làm
việc, thì các môn học xã hội, kỹ năng sống và làm việc bổ ích cho cả
đời người của mọi người, kể cả người theo các ngành khoa học tự
nhiên. Kiến thức về các lĩnh vực đó không bao giờ thừa, thường là
thiếu hoặc rất thiếu. Không ít người có một vài bằng đại học
nhưng soạn một văn bản tiếng Việt đơn giản cũng không đạt. Không