Nếu tập hợp đại diện cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên, học
sinh, người dân vào cùng một phòng thi với yêu cầu trình bày về hệ
triết lý giáo dục Việt Nam, tôi e rằng sẽ thu được những bài làm
rất khác nhau. Một số người có thể viết ra được một số nội dung
nào đó. Một số người có lẽ sẽ nộp lại tờ giấy trắng.
Vì cho đến gần đây, vẫn còn các bài nghiên cứu kiểu “Triết lý
giáo dục Việt Nam là gì?”, “Hành trình đi tìm triết lý giáo dục Việt
Nam hiện đại”.
Nếu nó đã có và đủ rõ ràng, nhất quán, thuyết phục thì cần gì
đi tìm nó nữa? Nó đã phải được in ấn ở trong cuốn sách, tài liệu
nào đó rồi. Vậy chỉ có thể là nó chưa có, hoặc đã có nhưng chưa đủ rõ
ràng, nhất quán, thuyết phục để trở thành một hệ thống mang
tính nền tảng cho nền giáo dục.
Những người cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục thường
minh họa bằng các ví dụ như sau: “Tiên học Lễ. Hậu học Văn”, “Học
đi đôi với Hành”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì
bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Vì lợi ích
mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Một dân
tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Trong các câu trên, một số có thể được coi là triết lý giáo dục, ví
dụ: “Tiên học Lễ. Hậu học Văn”, “Học đi đôi với Hành”. Một số câu
khác thật ra không phải là triết lý giáo dục, mà là về thái độ đối với
nghề giáo, thầy giáo, tầm quan trọng của giáo dục và người thầy.
Trong những câu có thể được coi là triết lý giáo dục, có những câu
đã tồn tại hàng trăm năm nay và chưa được thẩm định, khẳng định
liệu chúng có còn phù hợp với nền giáo dục thời đại mới nữa hay
không?