Điều đó cho thấy các gia đình Việt Nam nhìn chung tin tưởng và
đánh giá cao mô hình giáo dục Anh. Nếu có điều kiện, họ sẵn sàng
đầu tư cho con cái học hành theo mô hình giáo dục Anh ở một nước
phát triển.
Về đại cương, hệ giáo dục Anh bao gồm sáu năm tiểu học và 5
năm trung học (chương trình trung học “nén” là bốn năm). Sau khi
kết thúc trung học, tùy thuộc kết quả một kỳ thi chung, học sinh
được chọn theo học hệ cao đẳng học nghề (polytechnic) 3 năm, hoặc
dự bị đại học hai năm để thi vào các trường đại học (university,
college) với thời gian học đại học ba năm (ngoại trừ một số ngành
đặc biệt có thời gian học dài hơn).
So với chương trình phổ thông trung học ở nước ta hiện nay, học
sinh tiết kiệm một năm (hoặc hai năm nếu theo chương trình
“nén”). Số môn học ở các lớp trung học cũng ít hơn và học sinh được
chọn các môn học (ngoài 3-4 môn học bắt buộc).
Như vậy, học sinh trung học đã bắt đầu được hướng nghiệp qua
việc lựa chọn các môn học mình yêu thích và có thế mạnh. Số môn
học các năm cuối cấp trung học chỉ khoảng 7-8 môn (thay vì 12-13
môn theo chương trình hiện nay của Việt Nam), cho phép các em học
sâu hơn các môn này.
Chương trình dự bị đại học 2 năm (chương trình “nén” 1,5 năm)
cũng cho phép học sinh chọn học 7-8 môn học phù hợp với định
hướng ngành học đại học, tuy nhiên, học sinh cũng có quyền chọn
học nhiều môn hơn.
Khả năng thích ứng của mô hình giáo dục Anh đã được khẳng định
không chỉ ở các nước có nền văn hóa Anh như Mỹ, Canada,
Australia, New Zealand, mà còn ở cả các nước châu Á có sự khác biệt
lớn về văn hóa như Singapore, Malaysia...