Chủ nhân của bức tượng là một thiếu nữ mặc trang phục thời cổ đại,
mặt mũi rất mực hiền từ, thoạt nhìn thì thấy tuổi tác chỉ chừng trên hai
mươi một chút. Khóe miệng nàng ta hơi nhếch lên, đôi mắt thì nhìn chằm
chằm về phía trước, như đang mỉm cười nhìn mọi thứ trong gian phòng đá
này. Tôi cảm thấy nụ cười của nàng ta có chút quen thuộc, dường như đã
từng được thấy ở đâu đó rồi, hơn nữa còn là thường xuyên nhìn thấy, nhưng
nhất thời lại chẳng thể nhớ ra. Nàng ta cầm một chiếc gậy như ý (1), thoạt
nhìn hệt như một vị tiên nữ ở trên chín tầng trời, rất mực siêu phàm thoát
tục, xinh đẹp động lòng người, mà đó mới chỉ là một bức tượng gỗ thôi,
nếu là người thật, chắc không người đàn ông nào có thể không lay động
trước nàng ta. Nhưng tôi cứ cảm thấy mình đã từng nhìn thấy bức tượng
này ở đâu đó rồi, có điều bây giờ lại không thể nhớ ra nổi.
(1) Gậy như ý là một món đồ tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn,
thường được làm bằng ngọc, trúc hoặc là xương, gồm hai phần, phần đầu
có hình như cây nấm linh chi hoặc là đám mây, phần cán hơi cong.
Trong gian phòng đá này còn bày một số đồ đạc khác, chẳng hạn như
bàn đá, ghế đá, bàn trang điểm đá, sự bố trí như thế làm gì giống với một
lăng mộ, rõ ràng là khuê phòng của một nữ tử thời cổ đại, hơn nữa phong
cách này thuộc về vùng Trung Nguyên, chẳng hề ăn nhập với các tòa cung
điện kiểu Mông Cổ mà Nguyên Lương Vương cho xây dựng.
Tôi bất giác hoài nghi bức tượng gỗ này vốn là một con người thật, và
nàng hiện giờ đang nằm trong chính chiếc quan tài đá cẩm thạch trắng kia.
Chẳng rõ cô gái này có quan hệ thế nào với Nguyên Lương Vương, nhưng
tôi nghĩ chắc không phải là vợ, bằng không nàng đã được trường sinh bất
lão cùng Nguyên Lương Vương rồi chứ chẳng phải chết ở đây như thế này.
Vậy nàng rốt cuộc là ai? Lẽ nào là một nữ tử triều Minh bị bắt tới đây?
Đáng tiếc Tôn Kim Nguyên và Vương Tiên Dao không có ở đây, bằng
không với kiến thức của bọn họ thì nhất định sẽ đoán ra cô gái này là người
của thời đại nào.