không tin vào Thần Ngẫu Nhiên đến mức ấy, với lại hẳn là Chitanda
sẽ chẳng chấp nhận câu trả lời “ngẫu nhiên”. Quan trọng không phải là
sự thật, mà là việc Chitanda có thỏa mãn với lời giải hay không.
Nếu loại trừ kết luận sự việc xảy ra là tình cờ thì đương nhiên sẽ
thấy rằng, cuốn sách này được mượn không phải để đọc. Mượn vào
giờ nghỉ trưa rồi trả lại sau khi tan học thì không có lúc nào để đọc cả,
mà thử nghĩ nếu không mang về nhà thì có thể đọc ngay tại thư viện
cũng được, chẳng cần phải làm thủ tục mượn. Kết luận. Cuốn sách này
không được sử dụng với vai trò là một cuốn sách. Vậy thì?
“… Giả sử một cuốn sách không dùng để đọc thì sẽ để làm gì?”
Chitanda:
“Nếu chồng lên có thể ép dưa muối được đó.”
Satoshi:
“Nếu gắn vào tay sẽ thành cái khiên.”
Ibara:
“Nếu có vài quyển thì làm gối cũng được nhỉ.”
Thôi, từ nay không hỏi mấy người nữa.
Thử nhìn từ khía cạnh khác xem sao.
Hằng tuần, đều có người khác nhau mượn là tại sao? Nếu loại bỏ
cách suy nghĩ do “tình cờ” thì có thể nghĩ tới hai phương án. Trường
hợp thứ nhất, mặc dù các chị ấy không có điểm chung nhưng đang có
trào lưu dùng cuốn sách này vào chiều thứ Sáu. Trường hợp còn lại là
các chị ấy lập thành một hội cùng sử dụng cuốn sách này và luân
phiên nhau đi mượn.
Nhưng, trào lưu có thể là gì nhỉ. Ờ ha, xem bói chẳng hạn. “Vật
may mắn trong tháng này của bạn là cuốn kỷ yếu trường, nếu mượn
vào chiều thứ Sáu và trả lại trong cùng ngày thì chuyện tình cảm sẽ
tiến triển tốt đẹp.”
… Thật vớ vẩn.
Trường hợp thứ hai thì giữa các chị ấy sẽ có điểm chung.