định kỳ. Còn lại là tờ ‘Nguyệt san Trường Kamiyama’ phát hành hàng
tháng trừ tháng Tám và tháng Mười hai được dán trước cổng trường.
Bọn anh phụ trách tờ ‘Nguyệt san Trường Kamiyama’.”
“Thế hai tờ còn lại do bên nào phụ trách ạ?”
“Tờ ‘Thanh Lưu’ là câu lạc bộ Báo Chí. ‘Báo Hội học sinh trường
Kamiyama’ là do Hội học sinh. Về lịch sử thì bên anh là lâu đời nhất.
‘Nguyệt san Trường Kamiyama’ sắp phát hành đến số bốn trăm rồi,
hai tờ còn lại vẫn chưa tới một trăm số.”
Bốn trăm số cơ à? Huyết mạch của câu lạc bộ Báo Tường cũng
chảy bền bỉ thật. Ngẫm thử, nếu ba mươi ba năm trước bác của
Chitanda đã là thành viên của câu lạc bộ Cổ Điển, vậy lịch sử của câu
lạc bộ Cổ Điển chí ít cũng phải đếm được ba mươi ba năm. Có nhân
đôi tuổi đời của tôi hiện tại thậm chí còn chưa bằng lịch sử câu lạc bộ
cơ à? Mà thế thì sao chứ.
“Hình như không có trong phòng này đâu!”
Ibara sau khi ngó quanh một lượt thì kết luận như vậy. Lớp sinh vật
ít đồ đạc, lại hầu như không có góc chết, kỹ tính như Ibara mà đã xem
một lượt rồi thì khó có thể nghĩ tới trường hợp bỏ sót. Vậy thì, trong
phòng dụng cụ. Tôi vừa tiến về phía đó vừa hỏi:
“Cho em xem cả phòng dụng cụ nhé.”
“… À, được thôi.”
Bỏ lại tiếng Toogaito ở đằng sau, tôi bước vào trong phòng. Có
tiếng giấy xô vào nhau loạt xoạt, và tiếng động cơ. Cái gì thế nhỉ?
Giống như các phòng dụng cụ khác, căn phòng này cũng bé tẹo.
Diện tích còn chưa bằng một phần ba lớp sinh vật.
Đúng ra đây phải là phòng chứa các thiết bị dùng cho giờ sinh vật,
nhưng chỉ có vài chiếc kính hiển vi cất trên giá là trông có vẻ như vậy.
Nếu không phải vì Kamiyama là một ngôi trường cực kỳ chú trọng các
giờ lý thuyết thì có khi sẽ còn một phòng khác dùng để chứa dụng cụ
quan sát và dụng cụ thí nghiệm. Thay cho chức năng chính vốn có đó,
căn phòng này lại chứa toàn thiết bị của câu lạc bộ Báo Tường.