lược lợi ích chủ đạo lại ít có khả năng tồn tại. Chẳng hạn, nếu con
mèo của chúng tôi sang nhà hàng xóm ăn nhờ, thì chẳng mấy chốc
nó sẽ chết đói nếu không chịu thay đổi cách thức.
Không tin tưởng là chiến lược rủi ro chủ đạo, trong khi tin tưởng
là chiến lược lợi ích chủ đạo. Theo ngôn ngữ đơn giản của thuyết
tiến hóa, điều này đồng nghĩa sự hồ nghi luôn chiếm thế áp
đảo. Quá trình chọn lọc tự nhiên đã bảo đảm rằng những cá thể nào
phát triển cảm giác hoài nghi cao nhất chính là những cá thể có cơ
hội sinh tồn lớn nhất và chúng sẽ truyền lại cảm giác hoài nghi đó
cho hậu duệ của mình. Với các loài động vật này, không tin tưởng là
chiến lược tiến hóa bền vững.
Tuy vậy, vẫn có một số tình huống trong đó lòng tin lại mang
đến lợi thế về mặt tiến hóa. Chẳng hạn, việc trở thành thành viên
trong những nhóm cộng đồng nhỏ như gia đình hay bộ tộc là rất
quan trọng. Do đó, sự tiến hóa đặt vào chúng ta những lực đẩy trái
ngược giữa tin tưởng và không tin tưởng. Hai sự thúc đẩy này liên tục
tranh đấu với nhau trong não bộ chúng ta, với trọng tài là những
điều chúng ta được học và trải nghiệm trong đời. Sự hợp tác chỉ có
thể diễn ra khi lòng tin tồn tại, nhưng vẫn còn một điều kiện thứ hai
– lòng tin đó phải được minh chứng là chính đáng. Như vậy, để học
cách hợp tác, chúng ta không những phải học cách trao gửi niềm tin
vào lúc nào, như thế nào mà còn phải học cách chiếm được lòng tin
của người khác.
Bản thân việc học cách trao gửi niềm tin như thế nào và vào lúc
nào đã là rất khó, vì không phải khi nào ta cũng có thể dễ dàng phân
biệt được đâu là lời hứa thực lòng và đâu chỉ là lời hứa suông. Một số
người tuyên bố rằng họ có thể phân biệt được hai kiểu hứa hẹn đó
dựa vào ngôn ngữ cơ thể của đối phương, nhưng các thí nghiệm khoa
học đã chỉ ra rằng quan điểm đó thường không có cơ sở. Trong một
thí nghiệm, nhà tâm lý học người Anh Richard Wiseman đã sắp