Dễ tạo ra sự hợp tác hơn khi tồn tại khả năng lặp lại sự tương tác
giữa các cá nhân. Chẳng hạn, trộm cắp là hành vi lừa gạt (vì kẻ
trộm đặt nhu cầu và mong muốn cá nhân lên trên nhu cầu và
mong muốn của cộng đồng), nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra
rằng hành vi trộm cắp sẽ ít tái diễn hơn nếu trong hình phạt
dành cho tội trộm cắp có điều khoản bao gồm việc buộc kẻ
trộm phải gặp mặt và đối diện với các nạn nhân của mình.
Trong bối cảnh rộng hơn, mối đe dọa về hành vi trả đũa cũng
đủ ngăn chặn các hành vi phản xã hội và thuyết phục mọi người
tuân thủ các thông lệ xã hội, đặc biệt khi sự trả đũa có thể không
chỉ xuất phát từ những người bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn từ
bất kỳ thành viên nào trong xã hội.
Danh tiếng là một động lực quan trọng, thậm chí đôi khi nỗi xấu
hổ khi bị bắt quả tang đang phá vỡ một thông lệ xã hội cũng là
điều kiện đủ để ngăn chặn hành vi phạm tội. Một trường hợp
được đưa vào nghiên cứu là tỷ lệ rửa tay của nam giới ở các phòng
vệ sinh công cộng cho thấy, nam giới có xu hướng rửa tay nhiều
hơn nếu có sự hiện diện của người khác, bởi họ không muốn
nhận lấy ánh mắt không hài lòng của người quan sát khi thấy
họ không rửa tay.
Chiến lược hiệu quả nhất để thiết lập và duy trì sự hợp tác là
chiến lược kết hợp các yếu tố hợp tác và trả đũa, tức là chủ
động mời hợp tác ngay cả khi đối phương chưa hợp tác, song vẫn
luôn duy trì phương án ngưng hợp tác nếu đối phương không
chịu hợp tác. Phương châm “nói nhẹ mà ảnh hưởng lớn” của cựu
Tổng thống Teddy Roosevelt là chiến lược đi theo đường lối
này, song các mô phỏng trên máy tính của lý thuyết trò chơi lại
cho thấy sẽ hiệu quả hơn nếu nhấn mạnh vào ý “nói nhẹ”, tức
là chủ động mời hợp tác ngay sau khi cả hai bên đều phản bội.