Martin Nowak gần đây đã tổng hợp tất cả những yếu tố này
thành một tổng kết tuyệt vời gọi là “5 quy tắc đối với sự tiến hóa
của mô hình hợp tác”. Tổng kết này được xây dựng dựa trên quan
điểm rằng người hợp tác là người chịu chi phí (c) để cá nhân khác
được hưởng lợi từ chi phí đó (l). Có thể cá nhân người hợp tác thua
cuộc, nhưng chúng ta đều biết rằng dân số của nhóm hợp tác có
tỷ lệ tồn tại và sinh trưởng trung bình cao hơn so với nhóm phản bội.
Vậy để sự hợp tác tồn tại và phát triển được thì đâu là mối quan hệ
lý tưởng giữa chi phí và lợi ích?
Nowak đưa ra 5 cơ chế khác nhau liên quan tới sự tiến hóa của
mô hình hợp tác, mỗi cơ chế đều có một mối quan hệ chi phí – lợi
ích khác nhau:
1. Lựa chọn gần gũi: Hệ số liên quan (hệ số này càng cao khi
hai cá nhân có mối quan hệ càng gần gũi) phải cao hơn tỷ lệ chi
phí/lợi ích (c:l).
2. Tương tác lặp lại (trao đổi trực tiếp): Cơ hội tương tác
trong tương lai giữa hai cá nhân phải lớn hơn tỷ lệ chi phí/lợi ích (c:l)
của hành vi vị lợi.
3. Trao đổi gián tiếp: Đây là điểm mà hành động của chúng ta
chịu ảnh hưởng từ tác động của chính nó lên danh tiếng của chúng ta
trong cộng đồng. Nowak kết luận rằng trao đổi gián tiếp chỉ có
thể thúc đẩy sự hợp tác nếu xác suất biết danh tiếng của một
người lớn hơn tỷ lệ c:l.
4. Trao đổi trong mạng lưới: Điều này liên quan đến ảnh
hưởng của việc người hợp tác và kẻ phản bội sống ở gần nhau, và
điều cần thiết duy nhất để tạo ra sự hợp tác là số lượng người
“hàng xóm” phải lớn hơn tỷ lệ c:l.