5. Lựa chọn nhóm: Một nhóm người hợp tác có thể sẽ thành
công hơn một nhóm người phản bội – đây là trường hợp của thế
lưỡng nan Săn nai. Trường hợp này phức tạp hơn, bởi theo thời gian,
các nhóm sẽ sinh trưởng và gia tăng về số lượng, thậm chí các
nhóm này còn bị phân tách thành những nhóm nhỏ hơn. Trong giới
hạn thuận tiện về mặt toán học, trong đó việc lựa chọn hợp tác yếu
thế hơn và các nhóm hiếm khi chia nhỏ ra, vẫn có một kết quả đơn
giản đến đáng ngạc nhiên: sự hợp tác vẫn tiến triển nếu tỷ lệ lợi
ích-chi phí (l:c) lớn hơn [1+([quy mô nhóm lớn nhất]/[số lượng
nhóm])].
Tổng kết quan trọng của Nowak cho thấy chúng ta có thể giải
quyết các thế lưỡng nan xã hội – và tạo điều kiện cho hợp tác phát
triển – nếu có thể vận hành một trong năm cơ chế trên, và nếu có
thể tìm ra cách thúc đẩy tỷ lệ lợi ích/chi phí trong tình huống thực
tế lên trên một giá trị thiết yếu. Tổng kết này đã đưa nhiều
chiến lược mà tôi phân tích trong cuốn sách này vào một khung
thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một chiến lược để giải quyết các
thế lưỡng nan xã hội, đó là thay đổi bản thân trò chơi để sức hấp
dẫn của việc lừa gạt, vốn nằm trong tâm điểm của mọi thế lưỡng
nan xã hội, được giảm thiểu hoặc triệt tiêu hoàn toàn. Trong chương
sau tôi sẽ bàn đến một số cách thức thực hiện điều này, trong đó
bao gồm việc ứng dụng khoa học cơ chế lượng tử; đây là môn khoa
học có thể dùng để tháo gỡ nhiều tình huống khó khăn thường gặp
trong các thế lưỡng nan xã hội.