Chiêu thức khác nhau cho các đối tượng khác nhau
Thí nghiệm đầu tiên của tôi về các giá trị của con người vốn
không được định là một thí nghiệm, và kết quả bất ngờ mà nó
mang lại chỉ thuần túy nhờ vào may mắn. Khi đó, tôi đang dự một
bữa tiệc thì một khay đựng các lát bánh được chuyền đến các thực
khách. Khi chỉ còn lại hai lát, tôi cầm đĩa lên và lịch sự mời vị khách
đi cùng lấy trước, và vị này nhanh chóng chọn miếng nhỏ hơn,
nhường lại tôi miếng lớn hơn. Đây không phải là điều tôi kỳ vọng
theo lý thuyết trò chơi, bởi thuyết này giả định rằng mọi người sẽ
luôn đáp lại theo cách có lợi nhất cho họ.
Đôi khi, sự đáp trả đó sẽ mang tính “phủ đầu” nhằm đối phó lại
với một hành động được dự kiến trước. Trong trường hợp này, hành
động đó rất trực tiếp: tôi đưa ra hai miếng bánh và vị khách kia
đáp lại bằng cách chọn miếng nhỏ hơn. Tại sao chiến lược này lại
có lợi cho cô ấy hơn so với việc chọn miếng lớn hơn? Cách kiểm
chứng duy nhất là trực tiếp hỏi xem tại sao cô ấy lại chọn miếng
nhỏ. Câu trả lời của cô đã tiết lộ một điều thú vị. Cô bảo mình sẽ
cảm thấy áy náy nếu chọn miếng lớn hơn. Lợi ích mà cô đáng ra sẽ
nhận được khi chọn miếng bánh lớn (tức thỏa mãn cơn đói hay thói
háu ăn) chẳng đủ để bù lại cảm giác áy náy của cô khi bị người khác
nghĩ rằng mình tham ăn.
Như vậy trong trường hợp này, giả định của lý thuyết trò chơi vẫn
đúng sau khi cân nhắc mọi yếu tố. Vị khách đi cùng tôi đã chọn
hành động có tổng lợi ích lớn nhất cho mình. Các lý thuyết gia trò
chơi gọi lợi ích tổng thể đó là tính thiết thực.
Nếu có thể đo lường nó một cách chính xác, như cách các nhà vật
lý đo tốc độ ánh sáng hay các nhà hóa học đo nồng độ dung dịch,
thì họ có thể so sánh giá trị thưởng của từng chiến lược khác nhau,
và lý thuyết trò chơi có thể sẽ trở thành một môn khoa học chính