Nhưng đình chiến thì phải đề huề mới phải chứ! Tôi đọc xong thư mà
khen thầm Kim Chi là người đã có sắc, mà lại có tài, có đức. Hiếm có thay!
Nhưng bỏ ra thì tiếc. Tôi bèn đánh bạo viết bức thư nữa, bẻ phắt câu nam
nữ bất tương thân là hủ, cổ động bọn thanh niên tân tiến không nên quá
chấp nệ, phải họp sức nhau mà làm cách mạng phong tục mới được. Trong
thư này, tôi tuy giở giọng triết lý, nhưng thỉnh thoảng gõ đến chữ tình luôn.
Thế nào tôi lại tiếp ngay thư trả lời của Kim Chi! Vậy các ngài bảo
còn sao trách được cô là bất nhã. Cái thư này người vú già mang đến.
Người vú ấy, tôi coi như một vị ân nhân trong cuộc ái tình của hai chúng
tôi. Thường tôi cho tiền luôn, trước sau mất cũng khá. Mỗi bận đưa thư, vú
ấy lại kể cho tôi nghe chuyện Kim Chi, những là yêu tôi, nhớ tôi, mà sinh
vơ vẩn, lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi.
Vú già kể qua là Kim Chi còn hai cha mẹ và một người anh. Người
anh thì lêu lổng chơi bời, du côn, ác tợn, cả nhà ghét. Còn Kim Chi thì
ngoan ngoãn, cha mẹ nuông chiều, hơi sổ mũi, nhức đầu, thì ông bà chạy
nháo lên về thuốc. Kim Chi không bao giờ ra cửa đứng ngóng trai. Cả ngày
cặm cụi viết văn xem sách. Có lẽ bởi thế, nên từ ngày ấy, tối tối qua cửa
nhà Kim Chi, tôi cũng không được gặp cô bao giờ.
Ngày trước, có người bảo tôi rằng :
- Gớm, các tiểu thư càng ngày càng tệ, chỉ ngồi duỗi ra mà ăn, rồi viết
thư cho trai mà thôi! Anh không nên lấy vợ Hà Nội. Nhất là bọn gái tân
thời lại càng khó tin lắm. Bình quyền gì chúng nó? Chúng nó chỉ quảng cáo
cái tên để đắt chồng mà thôi!
Bạn tôi phán đoán quá khắc, chứ đã làm gì đến thế? Tôi có thể làm
trạng sư bênh các cô, và xin dẫn ngay Kim Chi ra làm chứng. Câu ấy là
chuyện của bạn tôi nói riêng với tôi, chứ nhỡ mà đến tai các tiểu thư, thì
bạn tôi tất bị một phen kéo tai chết.