bay xe theo hút, nhưng đen quá, phố hết xe. Chả lẽ lại cắm cổ chạy theo!
Không coi được. Tôi đành nuốt sầu, thất vọng lủi thủi về nhà.
Thế là tôi đã có phúc biết mặt Kim Chi rồi. Chỉ còn việc gắn bó nữa là
xong.
Tối hôm ấy, tôi nghĩ một bức thư rõ dài rất văn chương để gởi cho
Kim Chi. Tôi thú thật rằng tôi đội tên là Minh Châu để đăng báo trêu nhau,
chứ kỳ thực tên tôi là Trần văn Căn, con quan Tuần, nhà giàu, ở phố ấy phố
nọ, từ khi được trộm liếc dung nhan cô, thì tương tư chả ốm cũng sầu. Rõ
khéo quá! Cái lý lịch tôi, cái gia phả tôi, ai khảo mà xưng? Thằng con trai
đi chim gái mà đê tiện đến thế thì nhục quá! Kết cục, tôi bảo từ nay, nếu
định cùng nhau đàm đạo, thì xin đừng đăng báo, cứ viết thư riêng có lẽ tiện
hơn.
Hôm sau, quả nhiên tôi tiếp được thư hòng trả lời của Kim Chi. Các
ngài có đoán được cái vui sướng của tôi không? Tôi đọc đi đọc lại đến
thuộc lòng, thuộc lòng mà vẫn chưa chán. Thích nhất là tuy trong thư, lời lẽ
rất nghiêm trang, nhưng lại thơm sặc mùi nước hoa! Chết chửa! Không
phải thư tình sao lại thơm thế?
Đại khái trong thư nói cô đã biết tiếng tôi từ lâu, vì vẫn được nghe đại
danh - trời ơi! Đại danh, xin các ngài nhớ cho! - nghe đại danh tôi trên báo
chương. Nay tôi tuy ký tên là Minh Châu nữ sĩ, mà cô vẫn ngờ là giọng văn
tôi. Không những thế, nữ sĩ lại còn thông thuộc cả nhà cửa tôi nữa. Thế thì
nếu Kim Chi không phải là tri kỷ của tôi, sao đối với tôi đã có cái cảm tình
sẵn sàng ấy? Cuối thư, nữ sĩ bảo từ nay đừng đăng báo thì xin vâng, nhưng
nếu thư đi từ lại thì không tiện, vì sợ người ngoài ngờ vực nọ kia chăng. Vả
cổ nhân có câu Nam nữ thụ thụ bất tương thân, thì xin đừng thư từ gì nữa,
nhỡ tôi không nhận được trả lời, lại trách nhau là bất nhã.
Ấy, từ đấy mà đi, hai đội quân đang xung đột nhau kịch liệt trên mặt
báo, bỗng đình chiến.