Tuy hôm ấy trời mưa phùn, nhưng tôi chịu khó lò dò đi ngay từ chín
giờ. Vì tôi sợ đồng hồ nhà Kim Chi nhanh, hoặc đồng hồ nhà tôi chậm. Tôi
thấy xe nào đi qua, cũng phải trố mắt lên nhìn. Thực là có công quá! Ai ơi
có thấu cho không? Cái hy vọng của tôi trước thì dài, sau ngắn dần. Đến lúc
đồng hồ chỉ hai giờ thì thật cụt hết. Nhưng tôi vẫn chưa nản lòng, vì thế
thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên, vậy cứ mặt dầy kiên tâm thì chim
được gái, trời nào có phụ? Tôi đành đứng suốt đêm ở ngoài đường, ướt như
chuột lột, lấm như chôn như vùi. Đến hơn bốn giờ sáng, tôi phải cuốc bộ về
Hà Nội. Thực là một bữa mệt lử, nếu không sẵn sức khỏe, thì có lẽ tôi ốm
to rồi.
Tôi giận Kim Chi đánh lừa tôi. Nhưng không dám trách. Vì trách thì
còn mong “nước non” gì.
Tôi nghĩ kế để gặp mặt Kim Chi. Nhân có một hội kia cần tiền, tôi bèn
viết một bản kịch, rồi cổ động các tài tử đem ra diễn. Tôi định đóng một
vai, mà mời Kim Chi giúp cho một vai nữ. Tôi tự biết là một việc nhờ
phiệu, chứ các tiểu thư khuê các ta, đã ai có can đảm ra diễn kịch? Kịch của
tôi viết là một cái hài kịch về ái tình. Kim Chi nhận ngay vai chính! Cái dã
tâm của tôi định lợi dụng cuộc diễn kịch về việc nghĩa để một là được gần
gụi Kim Chi, hai là được tiêu tiền trời ôi, chứ nghĩa gì mà nghĩa!
Cách độ mười lăm hôm sau, Kim Chi cho tôi biết rằng hôm ấy cha mẹ
và anh về nhà quê vắng cả, chỉ có một mình và vú già ở lại mà thôi. Thế thì
tự do quá.
Kim Chi hẹn đúng chín giờ tối thì tôi đến. Nhưng tính tôi nóng nảy,
không có thể ngồi suông mà chờ được. Hơn bảy giờ tối, tôi đã ngắm vuốt
quần áo ra phố rồi định hết sức lờ các bạn. Tôi vừa ra khỏi cửa, thì người
vú già lại đưa cho tôi một bức thư của Kim Chi nhắc tôi đúng hẹn. Có một
đoạn, tôi nhớ đến tận bây giờ, mà có lẽ còn nhớ đến già nữa kia.