Thanh đạm ( Đời Mới, 1942), Đống rác cũ ( Văn Học, 1963)... trong sự
nghiệp của Nguyễn Công Hoan đều dễ dẫn đến những phân hóa như thế
trong đánh giá và tiếp nhận.
Nguyễn Công Hoan thuộc thế hệ nhà nho tân học khẳng định sự
nghiệp ở nghề văn nghề báo như Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố... Nếu
như Hoàng Ngọc Phách tựa chọn khuynh hướng văn chương lãng mạn làm
phương tiện giáo hóa thì Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan lựa chọn khuynh
hướng tả thực. Hình như căn cốt nhà nho trong họ khiến cho việc nhìn nhận
văn chương không tách rời văn hóa, theo đó việc phân định tả thực có tính
cách mạng, tiến bộ hơn lãng mạn trong nội bộ văn chương cũng không
được đặt ra như ở các thế hệ sau. Tiến hóa luận hay quan điểm lịch sử
dường như không nằm trong hệ quy chiếu của họ. Cái mà họ chú ý là tính
cách thành thực và tự nhiệm. Điều đó làm cho việc đánh giá họ trong tổng
thể hay trong từng trường hợp đều không đơn giản nếu không thông hiểu
thế giới quan của họ, cái thế giới quan càng phức tạp bởi bị chia xẻ do
nhiều tương tác trái chiều của bối cảnh giao thời. Nguyễn Công Hoan từ Xã
hội ba đào ký đến Kép Tư Bền, và sau một chút là Bước đường cùng, là
một quá trình đi từ tả thực đến xã hội, song luôn lấy tả thực làm căn bản
(mà đã tả thực thành thực thì cố nhiên, sẽ có lúc thiên về tự nhiên chủ
nghĩa, chứ chẳng phải do sự hạn chế nhận thức hay lựa chọn quanh co nào
cả). Từ tả thực (hay “tả chân”) đến hiện thực, nhất là “hiện thực chủ nghĩa”
là những khoảng cách rất lớn trong các diễn ngôn thức nhận về văn học quá
khứ. Tranh luận xung quanh Kép Tư Bền và rộng ra nữa không thể thiếu
tác động của những tri thức uy quyền như thế.
Ngày nay, đọc lại tập truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan,
chúng ta vẫn thấy được sức hấp dẫn của tác phẩm (nhất là trong các truyện
“Kép Tư Bền”, “Thằng ăn cắp”, “Ngựa người và người ngựa”, “Mất cái
ví”...), như cái cách hấp dẫn chúng ta bởi các tác phẩm được cho là viết
theo khuynh hướng hiện thực của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Có lẽ là
bởi tính chất “tả thực” của những tác phẩm này. Còn bởi cách thế tiếp nhận