Nhìn từ bối cảnh ấy, bài “Văn chương là văn chương” của Hoài Thanh
góp vào cuộc tranh luận một chỉnh sửa quan trọng: “Một bên nghệ thuật,
một bên nhân sinh - tôi nói nhân sinh, tôi không nói dân sinh - bên nào
khinh? Bên nào trọng?”. Phân biệt “dân sinh” và “nhân sinh” theo Hoài
Thanh cần thiết ở chỗ, “dân sinh chính nghĩa là sinh hoạt của bình dân”,
“nghệ thuật vị dân sinh” là nghệ thuật “giúp cho sự sinh hoạt của bình
dân”, “còn chữ nhân sinh nghĩa rộng hơn”, “nói cho cùng nghệ thuật nào
chẳng vì nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì cái sinh hoạt
tinh thần của người ta” [4]. Nói ra đều này, Hoài Thanh muốn phân định
một cách rõ ràng hai trường lực (champ) đương tác động lên văn học Việt
Nam bấy giờ: trường chính trị và trường văn học, để đi tìm tính tự trị của
văn học bằng cách xác lập vốn tượng trưng (capital symbolique) [5] của nó.
Trong bài phản bác Hoài Thanh, Hải Triều đã cải chính việc mình viết lầm
“nhân sinh” ra “dân sinh”, rồi khẳng định lại, “cái trào lưu nghệ thuật vị
nhân sinh hay nói cho khít khao hơn là cái trào lưu nghệ thuật vị xã hội
đích sinh hoạt (l’art pour la vie sociale)” [6]. Chỉ có điều, tuy có sự phân
biệt “vấn đề dân sinh” với “nghệ thuật vị nhân sinh” nhưng mục đích tối
hậu trong chủ trương của Hải Triều vẫn chỉ là để dành cho giai cấp cần lao,
nhà văn cần ưu thắng cho giai cấp cần lao và nhân vật văn học tiến bộ cũng
phải là đại diện cho giai cấp cần lao ấy. Với quan điểm giai cấp như thế, lại
hội với không khí Mặt trận Dân chủ đang tấn tới, Hải Triều và “chiến tuyến
hợp nhất” của ông với những Phan văn Hùm, Khương Hữu Tài, Cao văn
Chánh, Lâm Mậu Quang, Sơn Trà, Hải Thanh, Hải Vân, Hồ Xanh... lên án
Hoài Thanh và những người chủ trương, chia sẻ quan điểm “nghệ thuật vị
nghệ thuật” đã không lấy văn chương phụng sự cho giai cấp lao động, mà
tiếp tay bênh vực giai cấp giàu sang. Cuộc bút chiến cứ thế mà kéo dài sang
đến năm sau, với phần thắng về mặt xã hội dường như nghiêng về “chiến
tuyến hợp nhất”, dù nhận thức về mặt nghệ thuật trong bản chất quan niệm
“nghệ thuật vị nhân sinh” chẳng có gì tiến triển hơn ý kiến ban đầu mà
Hoài Thanh nhắc đến: “nói cho cùng nghệ thuật nào chẳng vì nhân sinh...”
Tuy nhiên, việc từ phê bình văn chương, người ta nhanh chóng chuyển sang
phê phán xã hội bằng văn chương, đã dần xác lập vị trí thống ngự của phê