mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta”. Mượn lời Thái
Phỉ từ cuộc tranh luận xung quanh việc sao chép, ảnh hưởng hay viết lại
Đoạn tuyệt ( Đời Nay, 1934) của Nhất Linh trong Cô giáo Minh ( Tân Dân,
1935) của Nguyễn Công Hoan cũng đang sôi nổi lúc bấy giờ, Hải Triều cho
rằng Kép Tư Bền thuộc về cái “thế giới mới nhóm”, và cũng vì nó thuộc về
cái thế giới ấy “nên mới có bài phê bình này”.
Câu chuyện xung quanh Kép Tư Bền lúc bấy giờ trở nên “có vấn đề”
bởi sự thực Hải Triều đã không chỉ phê bình tác phẩm mà còn nhân đó, phê
phán một cách gián tiếp chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” của Thiếu
Sơn bằng cách dẫn ý của nhà phê bình này ra để lên án. Nếu có thể gạt sang
một bên cuộc bút chiến mới bắt đầu nhen nhóm giữa Thiếu Sơn và Hải
Triều trước đó để nhìn riêng về cách hai nhà phê bình này đánh giá riêng về
trường hợp Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan thì có một điều bất ngờ là
những lời khen mà hai ông dành cho Nguyễn Công Hoan là khá tương
đồng: đều chú ý đến những cảnh thương tâm những người cùng khổ, giọng
văn linh hoạt tài tình, đặc biệt là tiếng cười trào phúng [2]. Nhận định về
Kép Tư Bền như thế tiếp tục được lặp lại ở Hoài Thanh, người thổi bùng
lên ngọn lửa tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân
sinh”, khi Hoài Thanh phê phán lối phê bình Kép Tư Bền của Hải Triều mà
ông cho là sai lầm, do không dựa trên văn chương để phê bình tác phẩm
[3]. Vì sao nhận định giống nhau mà vẫn tạo thành tranh luận? Thực chất là
khi phê bình, cả ba ông đều không dựa vào lý thuyết và phương pháp nào
ngoài ấn tượng chủ nghĩa. Điều mà Thiếu Sơn coi là “nghệ thuật vị nghệ
thuật” chẳng một lần được nhắc đến khi phê bình Kép Tư Bền, còn cái Hải
Triều gọi là “nghệ thuật vị nhân sinh” dường như cũng chỉ tìm thấy trong
Kép Tư Bền cái cớ chứng tỏ cho sự tồn tại của nó. Tranh luận xung quanh
Kép Tư Bền, vì vậy, một phần dành cho việc nhận thức tác phẩm, còn phần
lớn dành cho các vấn đề bên ngoài, vấn đề liên đới tới tập truyện, những
vấn đề rồi ra đây sẽ trở thành thiết cốt tác động tới tiến trình văn học Việt
Nam hiện đại.