đã được như gương chưa. Anh Chính thì đương chạy nháo lên về tìm ai có
ít sì-đạt [3] đen để “cộng sản”. Trong buồng, mấy anh nghịch tinh, xúm
xụm nhau để lật chăn anh Thọ là tín đồ đạo “thờ quần” vì sợ “vỡ hộp” hôm
Chủ nhật, nên tối thứ Bảy anh vẫn chịu khó nằm vo, mốt ông Táo!
Lúc ấy tôi cũng duỗi thẳng cẳng, ngồi phệt ngay bên cửa chóp trông ra
đường cái để dạy nốt mấy anh vài ngón đàn tam thập lục. Xung quanh các
bạn ngồi chồm chỗm như lũ cọp đắp ở tường các đền. Ấy trong bọn “ma-
cà-cúi”, chỉ còn thiếu có anh Dếnh, anh Rũng, anh Khải, mà thôi. Các anh
ấy đâu? Cơ chừng các cậu bị “công-sinh [4]”, nên không còn hy vọng gì ra
ngày Chủ nhật mà hoài công sắm sửa. Trong bọn bị phạt ngày mai, có anh
Rũng là liều lĩnh nhất. Thi đến nơi rồi, mà anh ấy chẳng lo lắng gì cả; chỉ
nay trả lời cái thư tim tím, mai học thuộc cái thư hồng hồng. Cả buổi chỉ
giở quyển Kiều, gia công khảo cứu những câu tình tứ. Bài làm thì “cóp” bài
thi thì “phim”, cho nên bao giờ anh bị “truy” mặt anh cũng xám như gà cắt
tiết. Nhưng anh Rũng vui tính lắm, chẳng lúc nào trên môi anh không để
một nụ cười. Giờ học nào anh cũng pha trò cho chúng tôi được phen vỡ
bụng. Cho nên anh Rũng tuy thầy ghét, nhưng bạn yêu.
Lúc tôi đang đánh đàn, thì bỗng thấy có tiếng gọi. Tôi dừng tay, lắng
tai nghe :
- Cậu nào trên gác thượng, cho tôi nhờ một tí!
Tôi đứng dậy, cúi nhìn xuống đường phố, thấy dưới cột đèn, một đứa
bé chừng 14, 15 tuổi, vẫy tay và gọi :
- Tôi nhờ cậu, cậu ơi!
Tôi hỏi :
- Ai đấy? Hỏi gì?