Bác hơi huếnh một tí. Bởi bác nghĩ tội nghiệp thằng cháu ngốc
nghếch ngót hai mươi tuổi đầu mà chưa được trông thấy cái đèn
điện sáng nó ra thế nào. Hôm về làng, ngoài mấy phong bánh
khảo nhân đậu, bác Tư còn bọc được vào đáy bị mạt cưa một cân nước
đá. Để làm cái quà lạ mắt. Và cả nhà đều lấy làm lạ mắt thật. Cân
đá chảy ngót gần hết, nhưng cũng còn đủ để bác Tư chặt mảnh đá
nhỏ, đem đặt vào lòng bàn tay Lấm. Thấy lạnh, Lấm cười khì khì.
Đến lúc buốt, Lấm giãy nảy, kêu rầm lên. Lấm bảo với chú: “Cái
thứ đá Tây quái nhẩy? Nó buốt tê thin thít. Ai có tội, đem bỏ vào
mồm thì đến rụng ráo cả răng!”.
Sáng nay, Lấm trở dậy tự lúc gà mới gáy tam canh. Mẹ Lấm,
thầy Lấm và cả cái Hoe, em gái Lấm cũng dậy sớm như thế. Cả
nhà rộn rịch sửa soạn cho Lấm sang tỉnh. Thầy Lấm soi đèn vào
buồng, chọn từng củ khoai nghệ mẫm, đem xâu cái lạt tre. Mẹ Lấm
và cái Hoe xuống bếp thổi cơm. Cơm chín, Hoa lấy vuông khăn
vải, bóp nhào nhuyễn lại thành một nắm lớn rồi bọc kẹp vào hai
mảnh mo cau non để Lấm mang đi làm lương ăn đường. Mẹ Lấm cứ
nhắc đi nhắc lại: “Lên tầu thì ngồi vào giữa ghế, không được
trông nghênh, trông ngáo, không được thò cổ ra ngoài. Nhớ để cái tay
nải kẹp vào hai đầu gối, kẻ cắp tầu hỏa là chúa ranh đấy. Mà
ngồi thì phải chọn chỗ ngồi với ông già bà cả. Mỗi bận tầu đỗ phải
hỏi người ta xem đã đến nơi chưa. Ga gì nào? Ga Đầu Cầu. Tầu đi
hết cái cầu sắt kêu xoành xạch điếc tai một lúc là đến nơi. Nghe
kỹ chứ đừng nhăn răng ra cười mà có khi trắng mắt ra đấy, nỡm
ạ
!”
Lấm ra vẻ ngoan ngoãn nghe. Nhưng mà ra vẻ thế thôi, chứ từ
hôm chú Tư cho tiền để đi Kẻ Chợ, Lấm được nghe những câu mẹ
dặn đã tới tám mươi nhăm bận rồi.