Hiên và Bích xúm lại hỏi. Căn không trả lời và đứng im, chỉ tay ra
ngõ. Một lát sau có tiếng cười của các cô đi tắm về. Nhưng lần
này tiếng cười dữ dội và ồ ạt như muốn ném vào trong này. Căn tái
mặt vào thay quần áo. Một câu hát bỗng nổi lên giữa những tiếng
cười:
Lạ chi mà phải đi dòm
Để người quân tử lăn tòm xuống sông.
Căn tức ngây người. Anh rủ rỉ kể chuyện. Ồ thì ra cái anh chàng
ma quái ấy trèo lên cây khế, cho rõ, mới trèo lên tận ngọn, để thỏa
lòng nhìn hoa. Chẳng ngờ cành khế giòn. Đang leo... leo... bỗng cành
khế gãy, ném thẳng anh chàng xuống nước. “Người quân tử lăn tòm
xuống sông” vội lội vào bờ, quàng chân lên cổ, chạy một mạch về.
Căn cay đến tím ruột. Mấy đêm sau, tuy các cô vẫn đi tắm như
thường mà Căn không dám đi... xem nữa. Chúng tôi nói pha, anh chỉ
mỉm cười. Từ buổi ấy, anh đi ngủ rất sớm. Có lẽ để tránh những
tiếng cười, câu ví như ném muối vào mặt, mỗi khi các cô đi tắm
về.
Và chừng như anh suy nghĩ lung lắm thì phải!
Bẵng đi một dạo, trời tối không có trăng, các cô không đi tắm
đêm. Căn đã nguôi nguôi, lại vui vẻ như thường. Và ngược lại tâm tình
lúc trước, Căn có phần nô giỡn hơn xưa. Quá nữa, anh chàng lại
mong đến tuần trăng để lại đi... xem. Chúng tôi thường hỏi pha:
- Thế mà vẫn chưa chừa?
Anh chỉ mỉm cười vơ vẩn, nói một câu mà anh thường nói: