hai bên bẹn, túi ở hai bên ngực, túi ở hai bên trong lườn. Giá mà để
đựng tiền thì đựng biết bao nhiêu tiền cho đầy! Chàng vận một
cái quần lĩnh đen bóng nhoáng. Nền lĩnh lấm tấm hoa dâu óng
ánh. Chân mang đôi giầy Tàu bằng nhung. Đôi giầy Tàu nhung
thực là đẹp. Nếu có ở hai bên mũi giầy hai cái ngù hoa đỏ, thì đúng
hệt đôi giầy của một ông tướng võ, một ông Triệu Tử Long chẳng
hạn, trong những phường hát đám tháng Giêng.
Đấy, người khách ăn mặc kỳ lạ như vậy. Điểm vào bộ quần áo
khác người, một khuôn mặt đen nhánh và rắn rỏi. Ở Nghĩa Đô,
không có ai giống thế. Vả lại, trước mặt chàng ta, trên sàn xe, lù lù
hai cái bồ cao ngất ngưởng. Hai cái bồ mới, thừng chằng xung
quanh kỹ lưỡng. Đúng là người ở đâu đến. Một người ở xa đến làng.
Một người đi làm ăn xa trở về làng. Có thể.
Chiếc xe đỗ. Con đường dẫn đến một cái cổng gạch. Chiếc xe
ngừng ở đấy. Nhưng đường còn tiếp theo, đi dọc mấy ruộng rau
muống ven sông Lịch và tựa vào một thành tre dài dằng dặc, rồi
lấn nghiêng sang cánh đồng khác.
Bên trong cái cổng là một túp lều lá. Quán hàng nước đầu làng.
Người ta, những ông già, những người rỗi việc, thường ra ngồi uống
nước chè tươi và lấy đó làm nơi tụ tập để nói những câu chuyện hay,
chuyện dở của mọi nhà. Những câu chuyện hàng nước vớ vẩn.
Người phu vừa hạ hai cái càng xe xuống, đã có mấy đứa trẻ
không biết ở đâu, chạy đến. Lũ trẻ con lắt nhắt rất tài. Ở đâu
cũng có chúng. Việc gì cũng có chúng. Chúng xán ngay lại và vây lấy
chiếc xe. Những đôi con mắt mở to nhìn trừng trừng. Người kia
không để ý gì đến bọn trẻ. Chàng bước gần lại phía hàng nước,
trong khi người phu khuân hai chiếc bồ xuống đất, rồi đủng