ta đương cùng cố để dành dụm lấy ít tiền. Ngày cưới định vào mùa
rét năm sau. Những đứa cháu con nhà anh anh Tại hong hóng đợi ăn
cỗ chú.
Nhưng mà hỏng. Nếu lũ trẻ đợi, ắt chúng nó mốc mép ra. Bởi
rằng nhà cô Pha, thầy mẹ cô đã không ăn ở đúng được như lời nói.
Tháng Giêng năm sau, có một đám khác cũng đến đánh tiếng
muốn hỏi Pha. Người này là con một nhà khá giả bên Phú Gia. Người
ta có ruộng, có đất bên làng này. Thầy cô Pha không biết nghĩ
thế nào cho phải. Song lại chính mẹ cô Pha đã bằng lòng. Mẹ cô lật
lưỡi ra mà nói rằng: “Ừ, mà phải. Cha mẹ mong cho con cái được
sung sướng, chứ có mong đâu cho con cái phải khổ sở. Lấy cái
thằng Tại thì bao giờ mới mở mặt được bằng ai”. Thầy cô Pha vốn
hiền lành và nhu nhược. Ông ta tặc lưỡi. Ừ, công việc lại xong một
lần nữa. Nhưng công việc xong với anh cả Nhiệm bên làng Phú Gia,
không phải với anh cu Tại. Lá trầu quả cau chạm ngõ của nhà Tại
người ta coi như không có. Chỉ thấy mẹ cô Pha ra đền lễ. Không ai
biết được bà ấy khấn khứa thế nào.
Không ai nói gì với Pha. Cha mẹ xếp đặt nơi ăn chốn ở cho con
gái. Song đến khi Pha biết thì Pha cũng ừ. Thế mới chết người.
Chẳng hiểu cô nghĩ ngợi ra thế nào. Ai mà biết được những ý nghĩ
tráo trở của người con gái mắt trắng kia. Có lẽ cô ta cũng chẳng
nghĩ ngợi gì đâu. Nghĩ quái gì cho phiền phức. Muốn nơi no ấm,
chẳng ai muốn nơi bần hàn. Cô ta nghĩ phần lợi cho mình. Tháng
Giêng năm ấy, cô Pha lấy anh cả Nhiệm. Đám cưới làng nọ đi sang
làng kia rất linh đình. Cưới xong, hai vợ chồng đem nhau về bên
Nghĩa Đô làm nhà ở bên này, cho được gần gũi cha mẹ. Thật là khéo,
con gái đi lấy chồng mà bố mẹ không mất con. Anh Tại không
khóc. Anh lại cười. Anh cười nhạt, gằn lại. Trước ngày cưới Pha,