la civilisation européenne), đang chuẩn bị đánh chiếm Mỹ Tho và để rảnh
tay đối phó với triều đình Huế, người Pháp đã dùng lời ngon ngọt để chiêu
dụ người Cao Miên theo về phe với họ trước khi họ tung quân đi chiếm lấn
thêm đất đai của nước Đại Nam (que je compte, dans un temps peu éloigné,
porter nos forces sur Mỷ-Tho et m emparer de cette place, dernière défense
des Annamites vers le Cambodge.)
Như vậy có thể suy định thêm được một điều khác là văn thư trả lời của
Charner với 14 khoản đòi hỏi kể trên được gởi đến cho Nguyễn Bá Nghi
sau ngày 21 tháng 3 d.l năm 1861, sau khi sứ đoàn 80 người Cao Miên
xuống Sài Gòn mang theo lễ vật để cống sứ cho quan soái Charner. Và có
thể là, Nguyễn Bá Nghi đem văn thư 14 khoản nầy tấu trình về triều đình
ngoài Huế để Tự Đức cùng các quan đại thần của Cơ Mật Viện bàn bạc
quyết định và Trương Đăng Quế đã cố vấn đường hướng cho Nguyễn Bá
Nghi áp dụng trong cuộc thương lượng tiếp tục với người Pháp.
B/ Trong vòng 10 tháng đó có những biến động gì đã xảy ra?
Như trên đã đề cặp, sách thực lục của nhà Nguyễn vào tháng 6 â.l năm Tự
Đức thứ 14 (Tân Dậu/1861) có nói tới việc người Pháp đưa ra 14 khoản đòi
hỏi nhưng lại thêm rằng (14 khoản nầy chép ở tháng 4 â.l năm Tự Đức thứ
15 sau đây), tức là gần 10 tháng sau sách thực lục mới chịu viết ra nội dung
của 14 khoản đòi hỏi đó. Trong khoảng thời gian nầy (từ tháng 6 âl/ Tân
Dậu/ Tự Đức thứ 14/1861 đến tháng 4 âl/ Nhâm Tuất/ Tự Đức thứ 15/
1862) có những biến động gì đã xảy ra để cho tên tuổi của ông Phan Thanh
Giản bắt đầu xuất hiện trên chính trường ngoại giao để tiếp nhận một trách
vụ đội đá vá trời, một trách vụ nặng nề ngang với một bản án tử hình khốc
liệt mà kẻ tử tội đang mỗi ngày mỗi giờ đếm từng bước chân của mình trên
những bậc thang đưa lên đoạn lầu đài.