2/ - Để cho Pháp đặt người của họ toàn quyền cai quản trên các vùng đất
hiện do Pháp tạm chiếm;
3/ - Trong vòng 8 ngày phải cử đại diện để hòa đàm với Pháp.
Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc ấy trình lên. Triều đình bàn
bạc và phải chịu chấp nhận những đòi hỏi tiên quyết số 1 và số 3 của Pháp.
Thuyền trưởng Simon trở về Sài Gòn mang theo 2 điều kiện tiên quyết của
Pháp được triều đình Huế chấp nhận. Sau đó Simon trở ra Thuận An. Triều
đình Huế cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh, phó sứ toàn
quyền đại thần để hội nghị với người Pháp. Khi sắp đi, Tự Đức rót rượu
riêng của mình ban cho và dụ rằng đoàn sứ không được nhận điều khoản tự
do truyền đạo Gia tô và không được nhượng thêm đất.
Ngày 24 tháng 4 âl (1862) Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đi thuyền
Thụy Nhạc uy vệ ra của biển Hội An, qua tàu Forbin gặp Simon trao
100,000 quan tiền trả trước. Sau đó tàu Forbin hộ tống thuyền Thụy Nhạc
vào Gia Định.
Ngày 30 tháng 4 â.l (26 tháng 5 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam tới Sài
Gòn. Cuộc đàm nghị mở ra liên tục cho đến ngày 9 tháng 5 â.l năm Nhâm
Tuất (5 tháng 6 d.l năm 1862) thì 2 bên ký định ước. Các điều khoản của
định ước nầy phải được triều đình nước Đại Nam và triều đình nước Pháp
thông qua trong vòng 1 năm.
Ngày 11 tháng 5 â.l (7 tháng 6 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam đi thuyền
về, đến Huế vào ngày 14 tháng 6 â.l (10/6 d.l/1862).
*
Xem xong bản định ước 12 khoản, Tự Đức dã quở trách Phan Thanh Giản
và Lâm Duy Hiệp và cho rằng 2 viên quan nầy "không những là người có
tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy!
" rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét.
Sau khi bàn xét đình thần phúc tâu như sau: về khoản cắt đất và trả tiền bồi
thường chiến tranh thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã thỏa thuận
rồi nhưng phần nhiều chưa hợp. Nhưng vì đây là một bản điều ước mới
định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe theo ngay.
Xin đề nghị để 2 viên quan ấy ở gần liên lạc với người Pháp bàn tính để họ