8. KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ NỢ CỦA CÁC HỘ
GIA ĐÌNH
Trong chương trước chúng ta đã thấy việc bùng nổ cho vay tại Hoa Kỳ vừa là
nguyên nhân và vừa là nạn nhân của bong bóng nhà đất như thế nào. Bong bóng tại
Anh, bong bóng tại Tây Ban Nha, Ireland và rất nhiều nước khác trên thế giới cũng
đều bắt nguồn từ nguyên nhân này. Giá nhà đất giảm và tình trạng thả nổi cho vay
chấm dứt. Với các ngân hàng, niềm lạc quan rằng tài sản nhà đất tăng cao và thời kỳ
bùng nổ cho vay nay không còn nữa, thay vào đó là hàng loạt các mối lo ngại. Các
ngân hàng đang phải vật lộn để giải quyết lượng nợ xấu khổng lồ trên bảng cân đối
kế toán và, trong một vài trường hợp họ đã thất bại hoàn toàn. Một vài hộ gia đình
buộc phải chịu bị tịch thu tài sản và/hoặc đối mặt với tình trạng suy kiệt tài chính.
Với các gia đình còn có thể tiếp tục trả nợ, thì khoản vay thế chấp đó không còn là
một “rắc rối được mong đợi”
, trả thế chấp nay không còn là cách nhằm gia tăng
tài sản và gây dựng thời kỳ về hưu an toàn. Ngược lại, nó trở thành gánh nặng phải
thanh toán mà không có nhiều hy vọng về lợi ích lâu dài. Điểm ngoặt chính là cuộc
khủng hoảng tài chính vào tháng Tám năm 2007.
NGUỒN GỐC CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH
Mọi người đôi khi nói về khủng hoảng tài chính như là kết quả của sự bùng nổ tín
dụng thông thường, chứ không liên quan nhiều tới nhà đất. Với tôi suy nghĩ này
dường như đã bỏ qua một nhân tố quan trọng. Cuộc khủng hoảng là kết quả trực tiếp
do đã cho vay thế chấp quá nhiều. Hậu quả của tình trạng này ập đến khi bong bóng
nhà đất bùng nổ. Nhưng vấn đề càng trầm trọng hơn và lan ra toàn thế giới khi quá
nhiều thế chấp bị chứng khoán hóa thành chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp
(mortgage-backed securities - MBS), tệ hơn nữa là một số thế chấp chuyển thành các
cơ cấu khá phức tạp được gọi là CDO (Collateralized debt obligations -Nghĩa vụ nợ
được đảm bảo bằng thế chấp) mà rất ít người hiểu về nó. Hàng loạt các cá cược đầy
rủi ro khác do các tổ chức tài chính sử dụng các hình thức phái sinh và các cơ cấu
khác, đặc biệt là CDS (credit default swaps) (hoán đổi vi ước tín dụng, một cá cược
liên quan tới trái phiếu của tổ chức) và các CDO tổng hợp (trong trường hợp cơ cấu
không giữ chứng khoán) tiếp tục khiến vấn đề trở nên khủng khiếp hơn. Theo các
quy tắc kế toán hiện đại “định giá theo thị trường”
các ngân hàng phải ngay lập
tức phản ánh mức tổn thất dự đoán với các chứng khoán này, thậm chí trước khi các
khoản tổn thất xảy ra. Vào năm 2007-2008 hàng triệu người Mỹ mặc dù chưa rơi