phục hồi sau những dư chấn do bong bóng vỡ tung. Giai đoạn 2004-2007 trở thành 3
năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới kể từ đầu những năm 1970.
Tuy nhiên, mặc dù bong bóng chứng khoán và những phản ứng chính sách sau đó
không gây ra thảm họa mà mọi người lo sợ nhưng đã để lại ba hệ lụy lớn, mà mỗi hệ
lụy vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Thứ nhất, bong bóng và giai đoạn khủng hoảng
đã khiến mức lương hưu bị sụt giảm trầm trọng và hầu như phá hủy hệ thống hưu trí
đã được xác lập tại Hoa Kỳ và Anh quốc. Thứ hai, bong bóng chứng khoán khiến
những bất cân bằng của nền kinh tế Hoa Kỳ ngày càng trầm trọng – đặc biệt là tỷ lệ
tiết kiệm thấp và thâm hụt tài khoản vãng lai cao – sự bất cân bằng này kéo dài tới
những năm 2000 và là một đe dọa lớn cho Hoa Kỳ và nền kinh tế thế giới. Cuối
cùng, lãi suất thấp được đưa ra nhằm đối phó với thời kỳ chứng khoán sụt giảm lại là
nguyên nhân của những biến dạng lớn trên thị trường và bong bóng nhà ở.
LƯƠNG HƯU TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG
Các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi sau khi trải qua nhiều
mức thấp vào năm 2002-2003, mặc dù mãi tới năm 2007 các thị trường mới trở lại
mức đỉnh của năm 2000 nhưng dường như ngay lập tức sau đó chứng khoán lại tuột
dốc do xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và nhà ở. Thế nhưng suốt những năm
bong bóng chứng khoán, rất nhiều người lập ra những kế hoạch do kỳ vọng rằng
chứng khoán sẽ tiếp tục tăng từ mức cao đã có. Khi thị trường chứng khoán lâm vào
khủng hoảng, các khoản lợi nhuận tương lai mà mọi người vẫn mong chờ hoàn toàn
biến mất. Nếu S&P 500 tiếp tục đạt mức lợi nhuận hàng năm 5% từ tháng 3 năm
2000 (thấp hơn nhiều lần so với mức tăng nổi bật những năm trước đó) thì chỉ số này
đã đạt mức 2.300 vào tháng 10 năm 2008 (thực tế vào thời điểm này chỉ số trên chỉ
đạt 1.000 điểm!), đồng thời NASDAQ đã lên tới hơn 7.500 chứ không phải chỉ
khoảng 2.000. FTSE 100 sẽ ở mức hơn 10.000 thay vì chỉ có 4.000.
Lợi nhuận dưới mức này đã khiến các khoản đầu tư dài hạn của rất nhiều người bị
xáo trộn, mà bị ảnh hưởng rõ ràng nhất chính là các quỹ hưu bổng. Lương hưu bị
khủng hoảng do hai lý do. Lý do thứ nhất là bởi đặc điểm nhân khẩu học, cụ thể là
tuổi thọ ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh thấp, chính vì thế tỷ lệ người lao động
ngày cảng giảm so với số người về hưu ngày càng tăng. Lý do thứ hai là những ảnh
hưởng kéo dài của bong bóng chứng khoán những năm 1990. Dưới bất kỳ hình thức
quỹ hưu bổng nào, cho dù đó là quỹ hưu bổng cá nhân hay của một công ty, bong
bóng và những sụt giảm trên thị trường chứng khoán đều gây nên nhiều vấn đề lớn.