nó đồng nghĩa với việc họ bị loại khỏi chương trình ngay từ đầu − điều này
khiến việc khai khống thậm chí còn tốn kém hơn nữa.
Bài báo của Martinelli và Parker có thể có tác động rộng khắp không chỉ
tới các chương trình xóa đói giảm nghèo, mà còn với bất kỳ kiểu dự án nào
khi dữ liệu được lấy từ nguồn tự khai. Hãy nghĩ đến một cuộc điều tra điển
hình về việc sử dụng ma túy, hành vi tình dục, vệ sinh cá nhân, sở thích bầu
chọn, hành vi môi trường... Chẳng hạn, đây là những gì chúng tôi từng viết
trong một bài báo về tình trạng thiếu thói quen rửa tay ở bệnh viện:
Trong một nghiên cứu y tế của Úc, các bác sĩ tự khai tỷ lệ rửa tay của họ
là 73%, nhưng khi quan sát những bác sĩ này thì tỷ lệ thực sự lại nhỏ đến
mức chẳng đáng kể gì, tức khoảng 9%.
Chúng tôi cũng viết về chủ đề những người hẹn hò trên mạng là những
người nhiều khả năng nói dối nhất và rủi ro của các cuộc bình bầu − đặc
biệt là khi có liên quan đến vấn đề sắc tộc.
Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi hay bất kỳ ai khác viết về những rủi ro của
hình thức tự khai thường xuyên đến thế nào, thì phải đến bài báo của
Martinelli-Parker, toàn bộ chủ đề này mới thực sự có được một nền tảng
vững chắc. Bài viết không chỉ đưa ra kiến giải bất ngờ về việc tại sao chúng
ta lại nói dối, mà nó còn là một lời nhắc nhở nghiêm chỉnh không nên cứ
thế mà tin tưởng các dữ liệu tự khai − ít nhất là cho đến khi các nhà khoa
học giúp chúng ta có thể nhìn thấu tâm trí nhau và thấy điều gì đang thật sự
diễn ra trong đó.